Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

KOSA và VLCC kí kết thỏa thuận hợp tác Bảo hộ bản quyền tác giả


MINH ANH


- Lễ kí kết Thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) và Hiệp hội quyền tác giả Văn học nghệ thuật Hàn Quốc (KOSA) đã diễn ra trong không khí trang trọng sáng nay, ngày 23 tháng 9 năm 2014, tại Hội trường Hội Nhà Văn Việt Nam, số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.

Tham dự lễ kí kết phía Hàn Quốc, có ông: Park Nak Jong - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc ở Việt Nam, ông Kwon Daewoo - Chủ tịch Hiệp hội KOSA, ông Kim Hong Eop, trưởng đại diện Ủy ban Bảo vệ Bản quyền Hàn Quốc tại Hà Nội; phía Việt Nam có ông Quảng Tuấn An, Đại diện Cục Bản quyền, Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch, nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó chủ tịch Hội Nhà Văn, nhà thơ Đỗ Hàn- phó giám đốc trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Hoa- trưởng ban Tổ chức Hội Nhà Văn,... cùng nhiều đại biểu khác của hai bên.
Thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) và Hiệp hội quyền tác giả Văn học nghệ thuật Hàn Quốc (KOSA) sẽ mở ra và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác song phương trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nói riêng và hợp tác văn hóa bền vững giữa hai nước nói chung.
Phát biểu tại Lễ kí kết, ông Nguyễn Trí Huân, phó chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam bày tỏ sự vui mừng và cho đây là "một sự khởi đầu tốt đẹp" cho việc hợp tác giữa hai bên và thẳng thắn trao đổi thực trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam vẫn đang xảy ra phổ biến ở Việt Nam. Ông Huân bày tỏ hy vọng thỏa thuận hợp tác này sẽ mang tới cho VLCC nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật trong hoạt động bảo hộ quyền tác giả từ phía KOSA và sự giao lưu văn học nghệ thuật ngày càng gắn bó và khởi sắc hơn nữa thông qua sự xuất hiện ngày một nhiều thêm của những tác phẩm văn học ở hai nước.
 Ông Kwon Daewoo, chủ tịch KOSA khẳng định "Sự hợp tác này sẽ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giao lưu văn hóa bền vững ở hiện tại và trong tương lai giữa Việt Nam và Hàn Quốc."
"Lễ kí kết đánh dấu bước trưởng thành, phát triển mới trên con đường bảo vệ quyền tác giả văn học nghệ thuật của các nhà văn, nghệ sĩ ở Việt Nam cũng như ở Hàn Quốc. Cục Bản quyền Việt Nam sẽ hết sức hỗ trợ và giúp cho hoạt động này ở Việt Nam" - Đại diện cục Bản quyền, ông Quảng Tuấn An khẳng định.
Từ thỏa thuận hợp tác này, VLCC và KOSA sẽ cởi mở chia sẻ tiềm năng hợp tác to lớn trong lĩnh vực giới thiệu tác phẩm, tác giả cũng như triển khai hoạt động bảo hộ bản quyền mà VLCC và KOSA đang được giới nghệ sĩ, sáng tác của hai nước ủy quyền đại diện; và đặt ra những phương hướng kế hoạch hoạt động cụ thể nhằm hỗ trợ lẫn nhau bảo vệ bản quyền tác giả của hai nước; phối hợp ứng phó các vấn đề còn tồn tại về bản quyền và những vấn đề liên quan; Chia sẻ thông tin hoạt động bảo hộ bản quyền; Hợp tác hỗ trợ lẫn nhau về hiện trạng và các vấn đề quốc tế liên quan đến bản quyền,...


Hiệp hội Quyền tác giả Văn học nghệ thuật Hàn Quốc (KOSA) là tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập từ năm 1984 với mục đích chống lại các hành vi xâm phạm quyền tác giả trong khu vực công cộng, cho đến nay đã có 4100 thành viên, bảo hộ hơn 19000 tác phẩm; chuyên thực hiện quản lý các quyền tác giả của nhiều loại hình tác phẩm theo nội dung ủy quyền như tác phẩm văn học, tác phẩm nghệ thuật, tác phẩm kịch, hình ảnh, sân khấu; thực hiện chức năng cấp phép thu tiền bản quyền, tiền thù lao từ việc sử dụng các tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ của KOSA; phân phối nhuận bút thu được cho các tác giả, chủ sở hữu; làm việc với các đơn vị vi phạm bản quyền, cũng như thực hiện các biện pháp pháp lý nhằm bảo vệ quyền tác giả và yêu cầu bồi thường thiệt hại. KOSA hiện là thành viên của Liên minh quốc tế các hiệp hội nhà soạn nhạc và lời (CISAC) và Liên đoàn quốc tế các tổ chức quyền sao chép (IFRRO).


Trung tâm quyền tác giả Văn học Việt Nam (VLCC) thành lập từ năm 2004, trực thuộc Hội Nhà Văn Việt Nam, với nhiệm vụ bảo vệ và khai thác các quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học thuộc phạm vị bảo hộ của VLCC. VLCC hiện chú trọng vào hoạt động bảo vệ quyền tác giả cho các hội viên đã ủy thác cho trung tâm và lập thư viện số hóa tác phẩm. VLCC hiện có 961 thành viên và bảo hộ hơn 6000 tác phẩm, là thành viên của Liên đoàn quốc tế các tổ chức quyền sao chép (IFRRO), Tổ chức phát triển bản quyền Na Uy.



 
Minh Anh - Báo Văn Nghệ


Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

Peter Mendelsund siêu sao thiết kế bìa sách, khởi nghiệp nhà văn

ALEXANDRA ALTER

 "Những tác giả đã khuất có những bìa sách đẹp nhất", Peter Mendelsund vẫn thường nói như vậy, và ông là người đã thiết kế những bìa sách nổi tiếng của các tác gia văn học lớn như Kafka, Dostoyevsky, Tolstoy và Joyce.  Mendelsund rất sợ hãi mỗi khi làm việc với những nhà văn cứng nhắc, luôn đòi hỏi font chữ, mầu sắc, hình ảnh câu nệ đến từng chi tiết trong thiết kế, để rồi:  "Khi hoàn thiện là lúc nhìn nó thật khủng khiếp như địa ngục vậy" - ông nói.
Song năm ngoái, Mr. Mendelsund, vị giám đốc hội đồng  nghệ thuật tại Alfred A. Knopf, đã trở thành "cơn ác mộng tồi tệ nhất" của chính mình khi ông bắt tay vào vẽ bìa, cuốn sách đầu tay, đánh dấu sự khởi đầu nghiệp văn chương của ông.
 Vẽ bìa cho cuốn sách đầu tay “What We See When We Read” - Những gì ta thấy khi ta đọc, đã trở thành  "một sự giễu cợt, thiết kế hình ảnh tương xứng với ngôn từ như thế nào để nâng được tinh thần của nó lên là một cuộc đấu tranh đã và đang dữ dội tột cùng" - ông nói.
Ở vị thế một tác giả, ông đã cảm thấy như thể là không có đơn hình ảnh nào có thể khái quát được thay cho lời giới thiệu cuốn sách này.
Ở vị thế một nhà thiết kế bìa sách, ông đã phải đặt vấn đề lên cao hơn là làm sao để hình ảnh bìa cho những thông điệp mạnh hơn ngôn từ và việc thiết kế - làm đi làm lại trong nỗi hổ thẹn.
Nỗ lực đầu tiên của ông cứng đơ và trơ khấc: một cái bìa màu đen phẳng lặng với dòng chữ màu trắng "Nó nhìn như một sân khấu đáng sợ" - ông nói - "Tôi đã bị chấn động với chút thất vọng".
Sân khấu đáng sợ không phải là một căn bệnh phiền não mãn tính đối với Mendelsund, một "nhạc sĩ chơi lại những bản nhạc cổ điển" 46 tuổi đã tự dạy mình cách vẽ minh họa. Hơn thế, ông là một người luôn chất ngất những ý tưởng cho việc vẽ minh họa.
Trong mười năm gần đây,  Mendelsund đã thiết kế khoảng 600 bìa sách, đủ thể loại từ một bìa sách trang nhã, đầy tính ngụy biện cho "Chiến tranh và Hòa Bình" của Tolstoy đến nghệ thuật Pop kỳ dị cho cuốn tiểu thuyết "Biến hóa" của Kafka, hay vòng xoáy thôi miên ảo diệu trong cuốn sách kì quái "Cô gái có hình xăm rồng" của Stieg Larsson.




Trong suốt một thời gian dài đến nay, Mendelsund vẫn đang được biết đến là một trong mười họa sĩ thiết kế sách đỉnh cao hiện nay, cùng với những cái tên sáng chói như Chip Kidd, Alvin Lustig và George Salter, những người làm nên nghệ thuật sáng tạo bán sách nhờ bìa.
 Ông hiện mới bắt đầu khởi nghiệp văn chương, với hai cuốn sách sắp xuất bản trong tháng 8 này. Cả hai cuốn sách đều khám phá những thách thức dị biệt trong việc truyền tải ngôn từ trong những hình ảnh và những minh họa hòa quyện với những thuyết triết học, phê bình văn học và thiết kế.
Trong cuốn "Những gì ta thấy khi ta đọc", sẽ được xuất bản bởi Vintage Books vào trung tuần tháng 8, Mr. Mendelsund đã cho thấy một lần nữa, ông hoàn toàn khẳng định khả năng làm chủ những cách thức bí ẩn làm tăng hiệu suất văn bản/ngôn ngữ qua việc thể hiện bằng tinh thần sống động của những bức hình minh họa, những phác họa thậm chí ngay cả khi chính tác giả cung cấp rất ít hình ảnh chi tiết. Chẳng hạn, hầu hết người đọc cảm thấy họ có thể miêu tả một cách hoàn hảo Anna Karenina, thậm chí ngay cả khi Tolstoy với một vài chi tiết nhỏ không hơn gì ngoài đôi mắt xám, lông mi dày và mái tóc nâu xoăn.
Ở những chương minh họa ngắn, Mendelsund chỉ ra rằng đọc sách là một hành động (của sự) đồng sáng tạo, và rằng những dấu ấn/ sự ấn tượng của chúng ta về những nhân vật, nơi chốn mắc nợ nhiều như trong chính kí ức và những trải nghiệm của chúng ta theo sức mạnh miêu tả của các nhà văn.

Trong cùng ngày,  PowerHouse Books phát hành “Bìa sách”, một cuốn sách thuộc thể loại coffee-table 267 trang, viết về những bìa sách của Mr. Mendelsund bị vo tròn và hàng tá bản nháp bị từ chối. Những hình ảnh được xen kẽ với các chú thích trong quá trình ông viết, cùng với những bài viết của những tác giả của một vài cuốn sách chức năng, bao gồm nhà văn Na Uy, Jo Nesbo, tác giả chuyên viết thể loại tội phạm bán chạy nhất và James Gleick, tác giả của những cuốn sách hư cấu “Chaos” - Chào  và “The Information.” - Thông tin.
"Hầu hết những nhà thiết kế tìm kiếm một bức ảnh trung tâm khái quát cho cuốn sách, nhưng Petter lại không tìm kiếm hình ảnh này, ông ấy tìm kiếm một ý tưởng" Mr. Gleick - đã nói trong một cuộc phỏng vấn. Đối với ấn phẩm bìa cứng của cuốn “The Information,” - Thông tin, Mr. Mendelsund đã nhắc lại tiêu đề 60 lần, vì vậy nhìn bìa sách giống như một cơn lũ mật mã.
Đối với phần lớn cuộc đời mình, Mendelsund đã cảm thấy "mù về hình ảnh" - ông nói. Lớn lên ở Cambridge, là con trai duy nhất của một kiến trúc sư và giáo viên giảng dạy Lịch sử tại một trường cấp ba. Ông đã bắt đầu chơi piano từ năm lên 4. Sau khi nghiên cứu triết học và văn học tại trường đại học Columbia, ông đã dành hai năm làm việc và kiếm với nghề nhạc sĩ piano chuyên nghiệp tại một học viện. Nhưng ông đã phải vật lộn chật vật với mức lương của một nhạc sĩ chơi nhạc cổ điển, và nhiều năm sau đó ông mới nhận ra mình đã kết duyên phải một "cô nàng" yếu ớt, không có bảo hiểm sức khỏe.
Ông đã quyết định thử thiết kế đồ họa, mặc dù không học qua một lớp đào tạo bài bản nào. Ông đọc những cuốn sách về thiết kế và đã bắt đầu nhận một vài dự án làm việc tự do, đôi khi làm không công. Một năm sau đó, ông được Vintage and Anchor Books thuê về làm họa sĩ thiết kế.


Cá ngựa được vẽ trong nhiều hình ảnh khác nhau nhưng luôn nổi lên những đặc trưng tương tự - Mendelsund giải thích trong cuốn sách mới.

John Gall, cựu giám đốc nghệ thuật tại Vintage và Anchor, nói rằng, ông đã nhận thấy tài năng nghệ sĩ của  Mr. Mendelsund ngay lập tức, nhưng ấn tượng mạnh hơn bởi tài phê bình văn học của Mendelsund. "Anh ấy kết hợp tư duy khái niệm rất thông minh, rất mạnh mẽ và thể hiện nó thực đẹp mắt, thực liều lĩnh"-  Mr. Gall, giám đốc sáng tạo của Abrams Books nói.
Quá trình sáng tạo bìa của Mendelsund bắt đầu bằng những ghi chú nguệch ngoạc và gạch chân những câu chủ đề quan trọng lên bản thảo. Sau đó, ông bắt đầu liệt kê phân loại các ý tưởng vào 16 ô chữ nhật đã kẻ sẵn trên một trang giấy, điền mỗi ô hình chữ nhật bằng một từ, một đoạn hoặc một phác thảo nhỏ. Sau đó, ông chọn một ô "biểu trưng" hứa hẹn nhất và vẽ bản nháp lên máy tính.
Ngay khi ông có một bản vẽ thô tại chỗ, ông sẽ bắt đầu chuyển việc minh họa bằng tay, vẽ tay với một cây bút chổi mực, trải trên giấy dán hoặc lấp đầy trong những hình khối ô vuông với bột màu, một màu nước dày đặc. Cuối cùng, ông in ra một trang bìa giả, bọc xung quanh nó một miếng bìa cứng và đặt nó trên giá sách của mình vài ngày.
Nếu phác thảo vừa mắt ông trong hai ba ngày sau đó, ông coi như mình đã đi đúng hướng. Nếu bìa phác thảo không để lại ấn tượng gì, ông hiểu rằng mình đã bỏ lỡ một điều khác.  
Ông thường xuyên lặp đi lặp lại quá trình này hàng tá lần. Đối với ấn bản mới của cuốn tiểu thuyết "Hopscotch”- "Nhảy lò cò"  năm 1963 của Julio Cortázar , ông đã vẽ 60 bản bìa nháp trước khi chọn được một cái cái bìa với dấu chân màu máu khắc trên những ô vuông trắng. "Cô gái với hình xăm rồng" thậm chí còn khổ công hơn thế, với 70 bản phác thảo. Bìa sách cuối cùng được chọn đã thực sự trở thành đặc biệt, nổi tiếng khi cuốn tiểu thuyết này  bán đến bản thứ 10 triệu.
Sonny Mehta, Tổng biên tập và Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn xuất bản Knopf đã cho rằng chính cái bìa sách nổi loạn kinh ngạc ấy đã giúp cho cuốn sách thành bom tấn. "Tôi đã từng không muốn có cái hình ảnh cảnh quan Bắc Âu ảm đạm đấy" - ông nói - "Song nó lại thực sự hiệu quả và độc đáo".
Hannah Depp, một người quản lý mảng sách chính trị và văn xuôi cho một hiệu sách độc lập ở Washiongton, cho rằng, bà đã thấy nhiều khách hàng phản ứng trước những thiết kế của Mendelsun, đặc biệt đối với những tựa sách kinh điển đã phát hành với nhiều ấn phẩm khác nhau.  Bìa sách cuốn Ulysses của ông, là một màu xanh lá cây mướt mát với  từ "Yes" nghệch ngoạc trong màu đen đậm của tiêu đề, lặp lại từ cuối cùng của cuốn sách, đã bán vượt qua tất cả các phiên bản khác của tựa sách này, bìa cuốn "Tội phạm và Trừng phạt" với hai màu trắng đen cũng có hiệu ứng tương tự như vậy.
Hàng trăm chiếc bìa sách Mendelsund thiết kế, không cái nào chịu một sức ép nỗ lực như chính bìa cuốn sách "Những gì chúng ta thấy khi chúng ta đọc" của ông. Chủ đề dường như thách thức minh họa, bởi vì luận điểm trung tâm của Mendelsund là người đọc thường phát minh những hình ảnh mà văn bản hay ngôn từ không thể hiện. "Toàn bộ điểm này tưởng như không thể thể hiện bằng điều gì cả" - ông nói.
Cuối cùng, ông đã tìm ra một giải pháp. "Nó vẫn là trường phái tối giản, nhưng nó là một cách để phô ra cảm giác không thể nhìn thấy một điều gì đó" - ông nói. Ông đã cho thêm một lỗ khóa vàng nhỏ, phản chiếu với màu đen nền bìa bằng phẳng.  Bề mặt kim loại của lỗ khóa bắt ánh sáng hắt vào thành một con mắt sáng như một ngọn nến trong căn phòng đen tối.

MINH ANH theo Nytimes