Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

NHÌN LẠI MỘT NĂM CỦA GIAO LƯU VĂN HÓA



Ngày 27 tháng 1 năm 1973, hiệp định Paris giữa Việt Nam dân chủ cộng hòa và Hoa Kỳ được kí kết, khẳng định Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam như được công nhận bởi hiệp định Geneva.  Ngay trong năm 1973 đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam:  Phần Lan, Bỉ, Malaysia, Italia,  Singapore, Nhật Bản, Hà Lan, Luxembourg, Pháp, Anh, Australia, Iran, Canada,…  



 2013 chính là dấu mốc 40 năm quan hệ ngoại giao hợp tác và phát triển của Việt Nam với nhiều quốc gia vượt bậc trên những tầm cao mới, đánh dấu sự hợp tác phát triển, chiến lược và toàn diện sâu sắc, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa, duy trì và mở ra những mối quan hệ tốt đẹp, tình hữu nghị và chia sẻ những mối quan tâm, quan điểm trong khu vực cũng như toàn cầu. Và 2013, vì thế là một năm của ngoại giao văn hóa, ngay từ đầu năm, các sứ quán các nước kỉ niệm năm chẵn thiết lập ngoại giao với Việt Nam ở Hà Nội và các sứ quán Việt Nam ở nước ngoài đồng loạt tổ chức họp báo, thông báo công bố hàng loạt các hoạt động và sự kiện giao lưu văn hóa- nghệ thuật chào mừng.
 Mở màn cho 16 sự kiện và hoạt động văn hóa lớn của đại sứ quán Australia là “Nối liền một dải Việt Nam” – Pat Famer, vận động viên chạy đường dài kỉ lục của Australia, người đã từng chạy một hành trình đáng kinh ngạc 21.000km từ Cực Bắc tới Cực nam của trái đất,  đã chạy dọc Việt Nam từ Móng Cái đến Cà Mau để gây quỹ  cho những dự án cấp nước sạch và làm sạch nước tại VN của Hội chữ thập đỏ Australia. Tiếp đó là Múa thổ dân đương đại, Elixir với nhạc Jazz, Hãy làm thế giới sạch hơn, Nhạc Rock, Thử thách đầu bếp nhí, Bảo tồn trong bảo tàng,… diễn ra tại Hà Nội, Đà nẵng, Cà Mau, Đà Lạt,… thu hút hàng nghìn khán giả Việt tham gia cũng như hưởng ứng và trực tiếp tham gia xây dựng sự kiện. 
Đáng chú nhất trong chuỗi sự kiện của Australia năm nay là Triển lãm khoa học của Trung tâm khoa học Questacon, buổi ra mắt cuốn sách Mỹ thuật Việt Nam 1009-1945” và Hội nghị cựu sinh viên Việt Nam du học tại Australia.  Triển lãm khoa học của trung tâm khoa học Questacon thu hút 7000 người  tham quan trong 3 tuần trưng bày tại Hà Nội, Đà Nẵng, và thành phố Hồ Chí Minh. Hàng trăm em học sinh tham gia sự kiện đã thực hiện và trải nghiệm lí thú về những thí nghiệm và thực nghiệm khoa học về âm thanh, ánh sáng, lực, quán tính, âm nhạc, cơ thể,…; Dưới sự hỗ trợ của Đại sứ quán Australia, cuốn sách đầu tiên được viết bằng tiếng Anh về sự phát triển mỹ thuật của người Kinh viết về những loại hình nghệ thuật, kiến trúc tiêu biểu của từng thời kì được ra mắt công chúng tại Hà Nội. “Mỹ thuật Việt Nam 1009-1945” của nhà nghiên cứu Kerry Nguyen-Long đã gây ấn tượng mạnh với độc giả về những giới thiệu và mô tả tỉ mỉ nhiều loại hình mỹ thuật Việt nam như vẽ, kiến trúc, kỹ thuật thủ công, phong cách điêu khắc, những bí truyền kỹ thuật và sự phát triển của nó trong suốt một thiên niên kỷ. Giáo dục luôn là thế mạnh của Australia, và cũng là thế mạnh chiến lược trong mối quan hệ hợp tác tài trợ giáo dục của Australia đối với Việt Nam. Trong 40 năm qua, đã có khoảng 40000 học sinh sinh viên Việt nam du học tại Australia, trong đó có khoảng hơn 10% đi học theo diện học bổng tài trợ của chính phủ Australia. Hội nghị cựu sinh viên Việt Nam du học tại Australia đã diễn ra sôi nổi và thành công với sự góp mặt của khoảng 400 người đang hoạt động, làm việc trong nhiều lĩnh vực khắp mọi miền đã tự bỏ kinh phí về tham dự hội nghị cùng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn và đưa ra những quan điểm, giải pháp cho những vấn đề thách thức hiện tại của đất nước.…

Ông Shinzo Abe sau chuyến thăm các nước Châu Á hồi tháng một, đã tuyên bố thúc đẩy giao lưu văn hoá là một trong năm chính sách quan trọng , cấp bách của Nhật Bản đối với các quốc gia Đông Nam Á trong hiện tại và tương lai . “Một uỷ ban cố vấn gồm 11 chuyên gia, nhà tư vấn cho Chính phủ thực hiện Chính sách giao lưu văn hoá với các nước châu Á đã được thành lập và đã có cuộc họp đầu tiên” – chủ tịch Quỹ giao lưu Quốc tế Nhật Bản, ông Hiroyasu Ando phát biểu trong cuộc họp báo trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 4 - “Chúng tôi muốn thúc đẩy giao lưu văn hoá hai chiều: giới thiệu văn hoá Nhật Bản tới các nước Đông Nam Á, tất nhiên trong đó có Việt Nam và giới thiệu văn hoá giữa các nước Đông Nam Á. Các nước Đông Nam Á có bề dày lịch sử, văn hoá truyền thống, do đó chúng tôi rất cẩn trọng trong việc lựa chọn những chương trình, khung chương trình cho việc cho các hoạt động, sự kiện, phương pháp tiếp cận,…”.
Cùng với chủ trương hướng về ASEAN của thủ tướng Abe (Nhật Bản) là sự chuyển dịch đầu tư của các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ, công nghiệp nhẹ của Nhật Bản vào Việt Nam tăng mạnh trong năm nay, càng thúc đẩy giao lưu văn hóa và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Việt – Nhật được xúc tiến và tăng cường mạnh mẽ. Ủy ban kỉ niệm 40 năm quan hệ Việt - Nhật do hai Chính phủ thành lập để tổ chức hàng loạt chương trình nghị sự, hội nghị, hội thảo về hợp tác kinh tế, thương mại, xã hội được đặt ra bàn thảo sâu rộng từ các nhà nghiên cứu, đến các doanh nghiệp tư nhân, đến hàng loạt các chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật do chính quyền và doanh nghiệp tổ chức. Quỹ Nhật Bản là một trong những trung tâm văn hóa nước ngoài hoạt động mạnh nhất trong năm nay, với hàng loạt sự kiện giao lưu văn hóa lớn xuyên suốt nhiều lĩnh vực và nhiều vùng miền trên khắp cả nước. Hàng loạt các sự kiện về âm nhạc, triễn lãm diễn ra dồn dập: Liên hoan âm thanh Hà Nội (Hanoi Sound Stuff) 2013 với sự tham gia của 2 nghệ sĩ Nhật Bản là Daito Manabe và Ametsub, Hòa nhạc Jazz với ban nhạc “unit asia” và ca sĩ Tùng Dương tại HN & TPHCM;Hòa nhạc kèn đồng Nhật Bản do Hanoi Brass Band biểu diễn,Hòa nhạc “Trống và Tiếng hát” của 12 nghệ sĩ đến từ 7 nước châu Á,Đại nhạc hội Rock Go!Go!Japan 2013… Những triển lãm tổ chức trưng bày dồn dập gồm: Đồ thủ công Nhật Bản: Những thiết kế từ Kyoto, Triển lãm sắp đặt của Yayoi Kusama, Triển lãm mỹ thuật đương đại Nhật Bản “Khu vườn mùa đông” tại Hà Nội, mỹ thuật đương đại Nhật Bản “Khu vườn mùa đông” tại TPHCM; tranh sơn mài “Nhật Bản trong tôi” của Ando Saekođến sân khấu biểu diễn: Kịch hình thể “Mahabharata”;  Kịch nói với người máy “Sayonara”; tuần lễ phim Nhật Bản tại Hà Nội, tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; Bà Rịa Vũng tàu… Tuy được thành lập muộn hơn so với trung tâm giao lưu văn hóa nước ngoài khác như Pháp, Đức, Hàn Quốc,… tại Hà Nội, nhưng Quỹ NHật Bản tại Việt Nam đã sớm tổ chức và thu hút được đông đảo công chúng Việt tham gia các sự kiện và hoạt động đặc biệt là giới sinh viên, bạn trẻ.
Nhìn lại 40 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, với quyết tâm và những nỗ lực không ngừng của nhân dân hai nước, quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam và Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Trong đó, có thể nói, giao lưu nhân dân là một trong những yếu tố quan trọng giúp quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển sâu rộng, đa dạng, hiệu quả hơn. Ông T.Mu-ra-y-a-ma, nguyên Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch Hội đồng hòa bình hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam nhấn mạnh trong Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Nhật Bản tháng 9 vừa qua, tài sản quý báu nhất mà mối quan hệ hợp tác hữu nghị hai nước xây đắp nên, đó là tình cảm nhân dân gắn bó sâu sắc.
Với tên gọi Năm Pháp tại Việt Nam – 2013, đại sứ quán Pháp tại Hà Nội và thành phố Hồ CHí Minh đã tổ chức 150 chương trình sự kiện trên tất cả các lĩnh vực, trao đổi về kinh tế, văn hóa, sáng tạo nghệ thuật, giáo dục, giáo dục đại học và nghiên cứu, quốc phòng, du lịch, thể thao cũng như trong các lĩnh vực kiến trúc, thời trang và thiết kế, trở thành là đơn vị tổ chức sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn nhất trong năm nay. 2013 không chỉ là năm kỉ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt- Pháp mà còn là một năm quan trọng chính thức đánh dấu hai nước trở thành đối tác chiến lược, một bước ngoặt trong lịch sử ngoại giao, nâng hợp tác hai nước lên một tầm cao mới trên cả bình diện song phương và đa phương, Bản tuyên bố chung đã được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kí kết với người đồng cấp tại Paris vào tháng 9 trong chuyến thăm Cộng hòa Pháp ba ngày. Không dừng ở những hoạt động giao lưu văn hóa giới thiệu những nét đặc sắc, phong phú bản địa, các sự kiện và hoạt động giao lưu văn hóa đã chuyển biến tích cực sang hợp tác và giao thoa văn hóa nhân dân. Mặc dù Lễ hội Ánh sáng ở Dinh Thống nhất, một bữa đại tiệc ánh sáng giữa trời Sài Gòn thu hút hàng nghìn người dân tới thưởng thức, đã khép lại Pháp tại Việt Nam nhưng một năm mới Năm Việt Nam tại Pháp 2014 lại đang bắt đầu với những hoạt động giao lưu văn hóa Việt Nam tại Pháp đầy hứa hẹn mang đến cho công chúng Pháp nhiều trải nghiệm thú vị. "Năm Pháp tại Việt Nam 2013 đã khép lại, nhưng chắc chắn rằng, tình cảm nồng thắm, hữu nghị giữa hai nước sẽ tiếp tục lan tỏa, góp phần tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Pháp", Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Lễ bế mạc Năm Pháp tại Việt Nam
Nếu nói văn hóa là động lực của sự phát triển xã hội và phát triển kinh tế, thì có thể thấy rõ điều này trong năm 2013. Trong khi tin kinh tế là mảng tin màu xám, thì tin văn hóa bùng nổ. Hoạt động kinh tế Việt Nam vẫn ảm đạm, đúng như dự báo của các chuyên gia kinh tế là năm đáy của suy thoái và khủng hoảng, hàng nghìn doanh nghiệp phá sản, dấu hiệu phục của nền kinh tế yếu, tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vẫn tiếp tục vật lộn với những khó khăn, nợ đọng và thiếu vốn...  Chính những hoạt động, sự kiện hợp tác văn hóa- nghệ thuật, giao lưu văn hóa quốc tế lại bùng nổ trong năm này, phần nào xóa tan không khí u ám và buồn phiền của lĩnh vực kinh tế, góp phần không nhỏ phục hồi và khích động tinh thần lạc quan cho dân chúng Việt Nam trong và ngoài nước. 


 Đại sứ Pháp Jean-Noël Poirier: “2013 là một năm quan trọng trong quan hệ của hai nước chúng ta. Với những dấu mốc khác đã được đặt ra kể từ 40 năm nay (như chuyến thăm lịch sử tại Việt Nam của Tổng thống François Mitterrand năm 1993), năm nay là năm có bước phát triển mới. Chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn tiếp tục là một sự kiện lớn trong quan hệ song phương giữa hai nước. Trên phương diện văn hóa, tôi nhận thấy mùa văn hóa Pháp tại Việt Nam năm 2013 đã đạt được những kết quả rất tích cực. Hơn một trăm hoạt động được giới thiệu, qui tụ tất cả các loại hình nghệ thuật với những sáng tạo đương đại nhất đã được công chúng Việt Nam nhiệt tình hưởng ứng. Một trong những sự kiện lớn nổi bật là màn trình diễn ánh sáng 3D hoành tráng tại Dinh Thống Nhất vào các ngày 13 và 14 tháng 12 để bế mạc mùa Pháp tại Việt Nam, làm nức lòng hành chục ngàn khán giả trong tinh thần ngày hội của người dân. Sự kiện đặc biệt này đã cần tới cả gần một năm làm việc, và đã huy động một đội ngũ các nghệ sĩ và kỹ thuật viên điêu luyện. Kết quả đạt được thật là tuyệt vời, buổi trình chiếu ánh sáng đã vinh danh Dinh Thống Nhất và văn hóa Việt Nam. Chúng tôi đã rất tự hào về màn trình diễn này và về thành công mà màn trình diễn đã đạt được.
Mục tiêu của chúng ta ngày nay là củng cố và tăng cường mối quan hệ song phương giữa hai nước. Việt Nam đang chuyển mình, mở cửa ra thế giới và đã có bước phát triển vượt bậc. Chúng tôi mong muốn mở ra một chương mới trong lịch sử chung giữa hai nước, tạo đà phát triển mới cho mối quan hệ song phương, được tạo lập trên cơ sở lòng tin, sự tôn trọng và tình hữu nghị. Đó chính là ý nghĩa của Năm Pháp-Việt Nam ».

Philiip Stonehouse, đại biện lâm thời, phó đại sứ Australia tại Hà Nội :
Năm nay, đại sứ quán và CHính phủ Úc đã tổ chức một số sự kiện, thông qua đó, Austrialia muốn khẳng định cũng như thể hiện, Austrialia và Việt nam đã có quan hệ đối tác từ rất lâu, mạnh mẽ và tin cậy. Mục tiêu hoạt động của năm nay là duy trì hợp tác quan hệ tốt. Australia và Việt Nam đã kí kết hiệp định đối tác toàn diện, dù chưa phải là tầm quan hệ cao nhất theo hệ thống thang bậc ngoại giao của Việt Nam , nhưng nói về nội dung và chất lượng quan  hệ thì Việt- Austrialia đã là đối tác chiến lược từ lâu rồi, chúng tôi đã thống nhất với nhau từ quan điểm chiến lược trong khu vực ĐÔng Nam Á, đến hợp tác giao thương thương mại và văn hóa. Những hoạt động năm nay là để tiếp tục duy trì cũng như nhìn lại mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Australia. 

Ông Inami Kazumi – chủ tịch quỹ Nhật Bản tại Việt Nam:
Trong năm nay, kỉ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao NB, Nhật Bản và Việt Nam đã tổ chức rất nhiều hoạt động, riêng phía Nhật Bản không chỉ hoạt động của chính phủ mà cả các tổ chức phi chính phủ , công ty tư nhân tại Việt Nam. Tôi nhận thấy bây giờ đang là thời điểm quan hệ ngoại giao và hợp tác giữa hai nước tốt nhất trong 40 năm qua. Tôi hy vọng và muốn rằng sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước tăng lên thực sự là những người bạn hiểu nhau, hiểu điểm tốt và chưa tốt để cùng chia sẻ, hỗ trợ tiến tới mối quan hệ tình bạn bền vững. Nhiều người dân Nhật Bản bây giờ không chỉ biết đến những cuộc chiến tranh ở Vn mà còn biết rằng người dân Việt Nam rất chăm chỉ và chịu khó. ĐỒng thời người dân Việt nam cũng biết rằng Nhật Bản là nước phát triển, có hoa anh đào,… hoạt động giao lưu văn hóa sẽ làm cho nhân dân hai nước hiểu biết lẫn nhau, và sự hiểu biết này sẽ thúc đẩy các hoạt động khác. Trong năm tới, hoạt động giao lưu văn hóa sẽ ít hơn và thay vào đó, chúng tôi sẽ đẩy mạnh những dự án hợp tác văn hóa. 

MINH ANH thực hiện
Báo Văn nghệ số 1 năm 2014

Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VÀ BẢN SẮC KIẾN TRÚC NÀO CHO HÀ NỘI?

Bên cạnh việc sụt giảm 15 bậc so với năm 2011 về chỉ số năng lực cạnh tranh, Hà Nội cũng bị đánh giá đang mất dần bản sắc văn hóa, giảm sức hút đối với du khách trong và ngoài nước. Trong đó, quy hoạch và quản lí tổng thể đô thị, kiến trúc đang thiếu vắng và bộ mặt thủ đô đang tiếp tục hiện trạng bất cập, lộn xộn và nham nhở. Những khu đô trung tâm kiến trúc cũ chưa được đánh giá đúng giá trị và bảo vệ, tiếp tục bị xâm hại và chen lấn, khu mới không đạt tiêu chuẩn chất lượng không gian sống dù Hà Nội đã mở rộng với diện tích lớn ít thủ đô trên thế giới có được. Đem theo những suy nghĩ về trọng tâm và những yêu cầu đối với quy hoạch đô thị và kiến trúc cho Thủ đô của Việt Nam, PV. TN đã có cuộc trò chuyện với kiến trúc sư Angela Brady, chủ tịch Viện Kiến trúc Hoàng gia Vương quốc Anh (nhiệm kỳ 2011-2013).
Bà Angle Brady là nữ kiến trúc sư nổi tiếng thế giới cho những cống hiến và thành công trong công cuộc xây dựng, quy hoạch đô thị ở Anh, Canada, Đan Mạch,… Cùng với Viện Kiến trúc Hoàng gia Vương quốc Anh và Ailen, bà đã quy hoạch và thiết kế một loạt các trung tâm giáo dục, bảo tàng, triển lãm, thành phố mở,... Bà cũng là nhân vật trung tâm cho những hoạt động thúc đẩy kiến trúc, xây dựng bền vững cho tương lai, nâng cao vị thế của ngành kiến trúc trong sự phát triển thế thông qua những hoạt động diễn đàn, hội nghị, truyền thông quốc tế.
Hiện bà Angela là đại sứ Sáng tạo và Thiết kế của Hội đồng Anh tại Việt Nam.

 

Bà đã đến Việt Nam đất nước chúng tôi một vài lần, điều mà bà quan tâm trong những chuyến đi đó là gì và cảm nhận ban đầu của Bà về những thành phố của chúng tôi?
KTS Angela Brady (ảnh bên): - Tôi đã tới Việt Nam hai lần. Đó là năm 2012, đến Thành phố Hồ Chí Minh và năm 2013 thì tới Hà Nội. Ở cả hai thành phố, tôi đều gặp gỡ với nhiều kiến trúc sư Việt Nam, Quốc tế và các chuyên gia, cùng chung mối quan tâm thúc đẩy và phát triển thiết kế đô thị bền vững. Bạn biết đấy, tôi không có được nhiều thời gian để đi dạo một vòng quanh thành phố ngắm cảnh như một người khách du lịch. Tôi chỉ biết một chút về Hà Nội, về vài tòa nhà, con phố và vài vùng ngoại thành rất tuyệt vời. Song tôi cũng phát hiện sự ồn ào của thành phố này bởi quá nhiều xe máy như Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếng ồn và hơi khói thì khó làm bạn thích thú được với không gian và cảnh quan.
Là một nhà quy hoạch tổng thể đô thị và kiến trúc sư cảnh quan, bà nhận xét và đánh giá như thế nào về những vùng trung tâm kiến trúc phố cũ, phố Pháp và khu trung tâm mới của thành phố Hà Nội?
- Hà Nội là một thành phố giàu văn hóa. Mỗi dáng dấp tòa nhà, đường phố phản chiếu về thời điểm mà chúng được xây dựng, đó cũng là một điều quan trọng để đánh giá mỗi thời kỳ phát triển của thành phố. Tôi hiểu điều đó từ chính câu chuyện của mình, quê hương tôi, thành phố Dublin (Irenland) có rất nhiều tòa nhà kiến trúc Tân cổ điển và Victoria (thế kỷ 18-19) do người Anh thời đó cai trị, xây dựng lên. Những tòa nhà này nay chính là xương sống của thành phố và là bản sắc của thành phố Dublin hôm nay. Vào những năm 1950 đến 1970, nhiều người đã không thích điều này bởi họ cho rằng những tòa nhà đó là hiện hữu của quyền lực thuộc địa cũ. Nhiều tòa nhà đẹp đã bị lãng quên, phá dỡ và những dự án xây dựng mới kém chất lượng thay thế chúng. Sau đó,chúng tôi đã hiểu rằng kiến trúc Tân cổ điển và Victoria chính là phần quan trọng tạo nên đặc trưng nhà thấp tầng của Thành phố, nhờ chúng Thành phố luôn được đánh giá cao và nổi tiếng về thiết kế tuyệt vời. Điều tương tự này có thể nói đến đối với lịch sử các tòa nhà của Hà Nội. Tôi nghĩ tất cả kiểu kiến trúc đều có giá trị, Những tòa nhà cũ có thể được chấp nhận cho mục đích sử dụng mới. Chúng ta không cần phải xóa quá khứ mà chỉ cần gìn giữ và tin tưởng sử dụng những kiến trúc chúng ta đang có.
Hãy nhìn tòa tháp Keangnam và những tòa nhà cao tương tự khác- tôi không chắc chúng có thể kể với tôi như một phần của Hà Nội? Sự mở rộng thành phố và những thành phố không bản sắc là hiện tượng đang trở nên phổ biến. Không bản sắc nghĩa là bạn không thể kể về thành phố bạn đang ở là thành phố như thế nào khi mà nhìn nó giống như thành phố khác.
Tôi không cho rằng Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh cần phải có những tòa nhà cao tầng! Chúng sẽ lỗi thời rất nhanh chóng sau khi ngốn rất nhiều tiền, năng lượng, nguyên liệu cho việc xây dựng và bảo dưỡng, duy trì. Những tòa nhà thường được thiết kế cho những vùng khí hậu và văn hóa khác nhau. Nhưng điều này không được thể hiện trong những thiết kế tòa nhà cao tầng mà chúng ta thấy ở Việt Nam.
Theo quan điểm của bà, điều gì quan trọng nhất trong quy hoạch tổng thể đô thị và kiến trúc để phát triển hiện đại hơn và giữ được bản sắc của riêng mình?
- Điều rất quan trọng xuyên suốt quy hoạch đô thị và quy hoạch tổng thể là xác lập ngay ở giai đoạn phát triển đầu tiên, quy hoạch nào có yếu tố bền vững trong trọng tâm thiết kế của nó. Bởi vì nó sẽ là quy hoạch cho tương lai từ 20 đến 100 năm chứ không phải cho tư duy chính trị nhiệm kỳ.
Khi một thành phố được xác định những vị trí Trung tâm và thiết lập nên vị trí của nó rồi có một cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về mặt kiến trúc thì là một điều tuyệt vời. Một kiến trúc sư trưởng thành phố sẽ đưa ra những trọng tâm để kiến trúc và quy hoạch. Di sản là cũng một phần quan trọng trong bất kỳ thành phố mở rộng nào bởi vậy lịch sử không thể bị xóa đi. Ở Vương quốc Anh chúng tôi có cục Di sản Anh trông coi những tòa nhà cổ kiến trúc lâu đời.
Các nhà quy hoạch đô thị của chúng tôi cũng đang trên đường tìm kiếm những kiểu mẫu thành phố thích hợp cho đô thị Việt Nam trên thế giới. Theo bà, chúng ta có nên sử dụng một mô hình thành phố kiểu mẫu nào đó từ nước khác áp dụng cho thành phố của mình, và ở đây với chúng tôi là Hà Nội không?
- Thành phố của bạn là một hình mẫu duy nhất nên được chú ý, quan tâm đến. Hãy đánh giá lại những gì bạn đang có. Xác định giá trị bạn đang có và muốn có. Cái nào thuộc về lịch sử và tạo nên giá trị. Những điều người dân thích thú hơn?
Thông thường, nó sẽ là một thành phố đi bộ với công viên cây xanh và hồ nước. Một hành phố không bị ô tô thống trị, một thành phố phản chiếu lịch sử của chính nó. Một thành phố mà người dân mong muốn được sống ở đó. Một thành phố có trường học, văn phòng làm việc, nhà ở và đủ những không gian để chơi, để gặp gỡ và giao thiệp xã hội. Hàng quán có thể là cần thiết song những thành phố mua sắm với những cửa hiệu không bản sắc thì không ai muốn tới mua ở đó cả. Bạn muốn Thành phố thu hút khách du lịch? Vậy hãy tìm hiểu tại sao họ sẽ tới Hà Nội để thiết lập những điểm đến. Ngành nghề thủ công, thức ăn, dân cư, cảnh quan, phong tục địa phương Hà Nội là gì? Hãy đặt tất cả chúng vào với nhau và bạn có Hà Nội. Tôi tin rằng, những thành phố tốt nhất tạo những bản sắc của chính nó, dựa trên chính văn hóa, lịch sử và bản sắc của dân tộc chứ không phải dựa vào người khác.
Nếu bà nhận được một đề nghị thiết kế và quy hoạch toàn bộ thành phố, bà sẽ làm gì và lựa chọn mô hình kiến trúc như thế nào cho Hà nội và tại sao?
- Điểm bắt đầu là văn hóa và con người Việt Nam. Phong cách của bạn chứ không phải của chúng tôi. Sau đó sẽ thảo luận với người dân và những chính khách, tổ chức cuộc gặp gỡ cộng đồng, công chúng về những ý tưởng. Rồi dựng lên quy hoạch tổng thể với những quan điểm của người dân mong muốn về thành phố của họ.Thành phố cho mọi người là điểm quan trọng đầu tiên của bất kỳ thành phố, và một vài nguyên tắc cơ bản khác sau:
Hãy tạo lập một thành phố đi bộ với những tuyến đường công viên an toàn.Tìm ra điểm đặc trưng vẻ đẹp và văn hóa địa phương của nó để thể hiện và tôn vinh.Làm xanh thành phố với nhiều loại cây bản địa giúp giảm không khí nóng nực mùa hè và nhìn thân thiện chào đón. Thường thì một số cuộc phẫu thuật là cần thiết để cải thiện thành phố tạo ra những không gian xanh và mở với những hàng cây và rau xanh.
Xây dựng hệ thống giao thông công cộng tốt,ô tô và xe máy cần được kiểm soát và hệ thống giao thông công cộng cần bổ sung,thay thế bằng xe điện,xe buýt hoặc dự án xe khách. Làn đường xe đạp cần được ưu tiên hơn ô tô. Làn đường xe đạp cần được ưu tiên hơn ô tô. Lập ra những khu vực và không gian xã hội, nối chúng với nhau để mọi người có thể đi bộ hoặc đi xe đạp.
Nghe thật thuyết phục, còn những không gian công cộng trong đó, cụ thể hơn sẽ được thiết kế như thế nào thưa bà?
- Không gian công cộng là những lá phổi của một thành phố và giúp thành phố có sức sống. Tất cả chúng ta đều cần một điểm nghỉ ngơi trong một thời điểm nào đó trong một ngày. Nếu bạn sống trong một thành phố thì bạn cần một không gian công cộng mở.
Hà Nội là một đô thị đang phát triển khá tốt với nhiều cây xanh, chúng không chỉ làm sạch mà còn điều hòa không khí mát mẻ và mang đến những bóng râm cho việc đạp xe và đi bộ. Liên kết và thông các không gian công cộng với những quảng trường nhỏ và các công viên để người dân có thể đi bộ/đạp xe 3-4 km thư giãn.
Bạn có thể đan thành phố với vòng tròn quy hoạch thông minh thuận lợi cho hoạt động di chuyển tới những không gian công cộng. Có thể thiết kế những khu vực mới cho hoạt động của người dân và chợ địa phương, những khu vui chơi và những không gian trong lành yên tĩnh.  Vùng Bắc Âu có nhiều không gian và thiết kế đô thị rất tuyệt vời, như Copenhagen và Amsterdam. Dublin có
Temple Bar, hay Vương quốc Anh và London cũng có nhiều nơi như vậy.
Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện rất thú vị này!
http://ashui.com/mag/tuongtac/doithoai.html