Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

TRẦN TRỌNG VŨ: SÁNG TẠO SỰ PHỨC HỢP CỦA BIẾT VÀ KHÔNG BIẾT



Mỗi tác phẩm là một điểm dừng của người hoạ sĩ trong hành trình sáng tạo - con đường độc đạo chỉ anh ta biết đường đi và tìm ra những lối đi dựng lên không gian và thế giới mỹ thuật của mình với lí thuyết và thực tiễn cá nhân để chạm tới những rung cảm. Trần Trọng Vũ là một trong số hoạ sĩ đó. Là một trong số ít những hoạ sĩ Việt Nam rất thành công ở nước ngoài với những triển lãm cá nhân được giới báo chí quốc tế quan tâm, đặc biệt hai triển lãm gần đây Blue Memory  tại Mỹ và Goodmorning Vietnam tại Pháp, …. Tại những triển lãm này, với những đề tài quá khứ được hiển hiện trên hơn một trăm bức tranh trên nilong, giấy, và vải…được sắp xếp thành một không gian tác phẩm mở mà ở đó người xem và tác phẩm hoà trộn với nhau cùng chuyển động, biến đổi. Không giới hạn trong những khung tranh, người xem có thể chạm, hoà mình hoặc tìm đến những góc ngách của tác phẩm khám phá và nhìn những hình thể theo cách của mình; và mỗi khán giả lại tự tạo nên, lại trở thành một phần của tác phẩm mới với một giới hạn cảm xúc cá nhân nhất định….Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa hoạ sĩ Trần Trọng Vũ và Minh Anh - phóng viên báo Văn nghệ về lí thuyết và ứng xử với sự thay đổi hình thức và cách biểu đạt  mới trong sáng tạo mỹ thuật của anh.
Trần Trọng Vũ sinh năm 1964 tại Hà Nội. Anh là con trai út của cố nhà thơ nổi tiếng Trần Dần. Anh đã tốt nghiệp xuất sắc trường Mỹ Thuật Việt Nam năm 1987 và năm 1989 giành được học bổng nghiên cứu hội hoạ tại trường Mỹ thuật Quốc gia Paris, Pháp. Hiện anh sống và làm việc tại Pháp. Tháng 12 năm 2012 anh được trường Mỹ thuật hà Nội mời làm giáo viên thỉnh giảng cho sinh viên khoá học 3 tuần về Mỹ thuật đương đại.

SÁNG TẠO – SỰ PHỨC HỢP CỦA BIẾT VÀ KHÔNG BIẾT

P.V: Đối với anh sáng tạo là hành trình như thế nào?
Hoạ sĩ Trần Trọng Vũ: Sáng tạo đối với tôi có thể là sự kết hợp của cái Biết và cái Không Biết: người sáng tạo sử dụng cái đã biết để tìm cái mà anh ta không biết. Nhưng kết quả không trình bày lại chỉ một mình cái này, hoặc duy nhất một cái kia, mà đồng thời chứa đựng cả hai.
Đang vẽ trên toan, anh đột ngột đổi sang vẽ trên nilông trong suốt, điều gì đã dẫn anh đến sự thay đổi này?
Thực ra sự thay đổi này không quá đỗi đột ngột. Đấy chỉ là một giai đoạn tất yếu của quá trình làm việc của tôi, đồng nghĩa với việc khai thác những khả năng có thể của hội họa. Tôi cho rằng hội họa hoàn toàn có thể phù hợp với những nhu cầu thay đổi trong tôi, khi nhận thức về nghệ thuật. Việc thực hiện những hình thể trên vải nhựa trong suốt thực chất nhằm tách hình ảnh ra khỏi nền tranh thông dụng như vải bố, giấy hoặc gỗ… Tất cả những nền tranh ấy biến mất và sẽ được thay thế bởi không gian phía sau và xung quanh hình ảnh. Nói cách khác những nền tranh vật chất nhường chỗ cho một nền tranh không nhìn thấy và mập mờ bởi tính trong suốt của nó. Trên cái không nhìn thấy ấy tôi thực hiện những hình thể, những dấu hiệu và mầu sắc. Khi treo lơ lửng trong không gian những hình ảnh hai chiều trở thành ba chiều và những giới hạn quen thuộc của chúng sẽ bị xóa đi. Có thể nói hình ảnh của tôi được in lên trên những bối cảnh đã có sẵn và tiếp nối với những cảnh vật này một cách tự nhiên nhất. Người xem có thể bước từ không gian của họ vào tác phẩm rồi lại từ hư cấu đi về hiện thực mà không gặp một trở ngại lớn nào. Như vậy với chất liệu vải nhựa trong suốt hội họa của tôi không còn là mục đích như của phần nhiều họa sỹ, mà chỉ là một phương tiện biểu đạt.
Sự thay đổi về chất liệu và hình thức biểu đạt có lẽ sẽ đòi hỏi những kỹ thuật và cách thức làm việc mới. Như vậy, việc sự khác biệt của người hoạ sĩ khi thực hiện vẽ trên toan và vẽ trên nilong như thế nào về kỹ thuật, phẩm màu và phối màu?
Sự khác biệt lớn nhất không nằm trong kỹ thuật. Mặc dù mặt phẳng nhẵn và láng bóng của vải nhựa đòi hỏi một cách làm việc mới, với những loại mầu mới và những mối quan tâm không quen thuộc. Nếu những nền tranh thông dụng như vải hoặc giấy là nơi để họa sỹ thực hiện những tìm tòi và những cuộc phiêu lưu không định trước, thì những hình vẽ của tôi trên vải nhựa đòi hỏi sự chính xác và những chuẩn bị từ trước. Đây chỉ là một giai đoạn thuần túy kỹ thuật, không hề hứa hẹn một cảm xúc nào. Nhưng quá trình đặt những tấm vải nhựa trong suốt này vào không gian mới chính là giai đoạn hứng thú và khó khăn nhất.
Trở lại với những triển lãm gần đây của anh, không còn những biển  báo“không chạm vào tác phẩm”, hội hoạ cũng không phải là đích chính. Chủ đề triển lãm cũng chỉ là những hình thức khi không gian tác phẩm mở với sự tham gia và biểu hiển cảm xúc khác nhau của người xem, anh có lo ngại rằng mình mất đi sự kiểm soát tác phẩm và  định hướng đối với công chúng không?
Rõ ràng cách tôi chuẩn bị cho tác phẩm rất nhiều cửa mở là để thông báo rằng tác phẩm của tôi đang sẵn sàng tiếp nhận những thay đổi đến từ phía công chúng. Và dĩ nhiên những thay đổi này không được hướng dẫn từ trước. Hình dạng và khung cảnh bên trong tác phẩm liên tục thay đổi để lại liên tục trở về trạng thái ban đầu, những thay đổi này có thể mỗi lần mỗi khác.Tác phẩm của tôi như vậy không thể là một giá trị bất di bất dịch. Hình ảnh của tôi không chỉ cho một đáp số. Không gian của tôi chứa đựng cả những hình nhân giả tạo lẫn những con người có thực và sống động. Thật giả do vậy lẫn lộn, giống hệt như cuộc sống vậy.
Như vậy, công chúng thì thích thú với trải nghiệm nghệ thuật mới, còn anh giữ những ẩn ý cho mình? Và ở đây không chỉ dừng ở thị giác mà nghệ thuật của anh đã tác động trực tiếp tới các giác quan khác của công chúng?
Mời gọi công chúng bước vào tác phẩm cũng giống như lời gợi ý để họ tiếp nhận tác phẩm theo cách tích cực hơn. Họ phải tìm đường để bước đi bên trong hình ảnh và có thể có những va chạm của thân thể với hình vẽ. Họ hoàn toàn được tự do làm những động tác mà họ muốn, gây những tiếng động cố tình hoặc vô tình, và như thế họ có thể cài vào tác phẩm của tôi những câu chuyện của họ không mấy liên quan. Và do vậy cuộc tiếp xúc của công chúng với tác phẩm không chỉ đơn thuần thị giác, mà có thể phải đi cùng với cả những yếu tố tâm lý và tình cảm nữa… tức là nằm bên ngoài phạm vi thị giác.
Cảm xúc của anh như thế nào khi ngồi lặng ngắm sự sự hoà nhập của khán giả với tác phẩm của anh?
Tôi hạnh phúc khi thấy khán giả chấp nhận trò chơi của tác giả và thấy họ cởi mở và bộc lộ nhu cầu được đối thoại với hình ảnh. Ví dụ không ít công chúng tìm cách bày đặt thân thể của chính họ vào trong tác phẩm, hoặc đi trốn sau những hình ảnh, hoặc làm những động tác của thân thể họ để tác động vào hình ảnh. Cũng không ít khán giả tiến vào bên trong tác phẩm với máy ảnh với máy quay phim, và đi tìm hình ảnh cho riêng họ. Và trên hết nhiều người trong số họ bầy tỏ nhu cầu được đối thoại với tác giả, để diễn đạt những băn khoăn và cảm nhận của họ về cả những gì nằm bên ngoài tác phẩm và bên ngoài phạm vi thị giác.
Điều đó có làm anh hài lòng? Cảm xúc của anh như thế nào khi tác phẩm của mình được trưng bày trong những không gian khác nhau, ở Anh, Mỹ, Việt Nam và khán giả tham gia vào các tác phẩm cũng rất khác nhau?
Khó có thể nói nếu như tôi hài lòng, bởi vì luôn luôn có những gợi ý khác sau khi tác phẩm đã được trưng bầy nơi công cộng. Tôi hầu như có những phản xạ rằng “nếu như…” ánh sáng sẽ như thế kia chứ không như thế này, hoặc “giả sử…” tôi có thể dựng hẳn một bộ phim một vở kịch và để cho các nhân vật đi tìm và đuổi bắt nhau bên trong tác phẩm của tôi. Tất cả những luyến tiếc như thế tôi đã có rất nhiều nhưng tất nhiên không vì mục đích hoàn thiện tác phẩm. Tôi không đi tìm sự hoàn thiện bởi vì sự hoàn thiện có thể đồng nghĩa với một dấu chẩm hết. Và rất thường xuyên tôi không muốn xem lại những gì đã làm, bởi vì những lúc như thế tôi chỉ muốn được dựng lại cùng một tác phẩm, để làm một dị bản khác, để thực hiện thêm những “nếu như…” ấy. Có thể nói những không gian khác nhau và những khán giả khác nhau cho cùng một tác phẩm chính là những đề nghị của ngẫu nhiên, của cái có thể và không thể, của Biết và Không Biết.

Trở về Việt Nam lần này và giảng dạy cho sinh viên trường Mỹ thuật Hà Nội về Mỹ thuật đương đại một khoá học thực hành trong ba tuần, anh đã hướng dẫn họ làm gì và đánh giá về thế hệ hoạ sĩ Việt Nam tương lai này ra sao?
Có thể nói tôi quay lại trường mỹ thuật Hà Nội, sau 23 năm, để gặp ở đây một thế hệ hoàn toàn xa lạ. Nhưng chính cầu nối của nghệ thuật đã đưa tôi lại gần với sinh viên để có thể hiểu được những nhu cầu mới, cùng những khó khăn và thuận lợi của họ. Chúng tôi làm việc trên một dự án mang tên “Giấy A4”. Tôi thuộc thế hệ trước, khi ấy không hề có loại giấy A4 này trong đời sống. Sinh viên của tôi là thế hệ sau, thế hệ của giấy A4, của A còng, của truyền thông đại chúng, của toàn cầu hóa. Tôi chọn đề tài giấy A4 cho sinh viên bởi vì họ được sinh ra cùng với giấy A4. Loại giấy này đã tới Việt Nam vào những năm 90 rất muộn màng, nhưng ngay lập tức đã thay thế toàn bộ những giấy 5 hào 2 cùng 3 hào 2, và được người Việt Nam nhiệt tình tiếp nhận. Giấy A4 vì vậy là một nhân chứng im lặng của lịch sử Việt Nam đương đại.
Tôi đã đề nghị sinh viên sử dụng giấy A4 như một chất liệu duy nhất để thực hiện đề tài A4 thông qua tác phẩm. Tôi rất muốn hiểu họ suy nghĩ những gì và như thế nào về thời đại mà họ đang sống. Tôi cũng muốn cùng họ đưa những suy nghĩ này trở thành thị giác. Và tôi cho rằng sinh viên của tôi cư xử với quá khứ và kinh nghiệm của họ, với môi trường và xã hội đương thời một cách chân thành và sáng tạo, mặc dù đây là một ngôn ngữ nghệ thuật không giống những gì họ đã học ở trường.
Xin trân trọng cảm ơn anh!

Bài đăng báo Văn nghệ số 19- 2013 ra ngày 11 tháng 5 năm 2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét