Nhân dịp chào mừng 60
năm thành lập Nhà hát, Nhà hát chèo Hà Nội – NHCHN đã công diễn 7 vở diễn kinh
điển Quan Âm Thị Kính, Nàng Sita, Cô Son, Quan lớn về làng, Oan khuất một thời,
Ngọc hân công chúa.và thu hút hàng ngàn lượt xem, phải kéo thêm đêm diễn so với
lịch trình. Cú lội ngược dòng ngoạn mục này của sân khấu chèo Hà Nội trong thời
đại khủng hoảng kinh tế và tinh thần này là do đâu? Vì sao sân khấu Chèo Hà Nội
giữ được tinh hoa của nghệ thuật truyền thống vừa mang hơi thở thời đại? Công
chúng có thực sự quay lưng lại với nghệ thuật truyền thống?... Dưới đây là cuộc
trò chuyện giữa P.V Minh Anh với NSUT Trịnh Thúy Mùi, giám đốc nhà hát Chèo Hà
Nội xung quanh những câu hỏi này.
Phóng
viên:
Trước hết, xin chúc mừng bà và NHCHN nhân dịp kỉ niệm 60 năm thành lập đã rất
thành công với một loạt đêm diễn sốt vé tại Thủ đô với 7 kịch mục kinh điển.Thành
công này có phải là một phần trong kế hoạch được chuẩn bị trước không, thưa bà?
Nghệ
sĩ ưu tú Trịnh Thúy Mùi:
NHCHN chúng tôi luôn luôn đau đáu, hết mình với chương trình, tiết mục mới. Từ
diễn viên, đến đạo diễn, đến tác giả…. Công diễn không hiệu quả, thì chúng tôi
rất là buồn, và cảm thấy mình có lỗi. Bản thân tôi những vở diễn nào ra không
có khách tôi thấy mình có tội. Nghệ
sĩ của chúng tôi làm việc lăn lộn đến độ không nhớ ngày giờ rất nhiều. Tôi cũng
cảm thấy tự hào và may mắn vì có được những đồng nghiệp cùng ý chí với mình.
Chính vì vậy mà NHCHN mới kéo được khán giả đến với mình. Chúng tôi tin rằng
khán giả không quay lưng với Chèo.
Một
điểm mạnh của NHCHN là truyền thống truyền lửa giữa các thế hệ. Nhiều cô chú
nghệ sĩ về hưu rồi hàng năm đến nhà hát, ngập tràn tâm huyết, moi ruột gan để
truyền nghề cho thế hệ sau chỉ với ước nguyện nghệ sĩ trẻ giữ được truyền thống
của Nhà hát. Các cụ căn vặn, năm rồi làm việc như nào, định hướng ra sao trong
năm tới. Những năm đầu tiên tôi lên làm giám đốc phải trả lời rất nhiều câu hỏi
từ phía các cụ nghỉ hưu. Vậy đó các cụ đang cho tâm huyết, cho nghề nghiệp và
giao cho trách nhiệm phải làm gì.
Có ý kiến cho rằng,
trong thời điểm hiện nay khi mà khủng hoảng kinh tế kéo dài, con người lâm vào
khủng hoảng tinh thần. Khi những giá trị văn hóa bề nổi rạn vỡ, và xuống dốc
tinh thần, người ta lại tìm về văn hóa bề sâu, tìm về triết lí dân gian như một
cuộc tĩnh tâm để định hướng. Người dân thủ đô dường như cũng không nằm ngoài
vòng tâm lý xã hội đó trong hơn một năm nay. Nhờ thế mà sân khấu Chèo- một sân
khấu nghệ thuật truyền thống với những triết lí dân gian sâu sắc, đã cuốn hút
khán giả trở lại. Bà suy nghĩ như thế nào về nhận định này?
Quả
thật, cách đây ba bốn năm, chúng tôi tới các đơn vị mời xem, đi diễn trọn gói
cho các tập thể. Mà chẳng vẫn ít người xem vì xu thời đang thế, cuộc sống rất vội
và sôi động. Nhưng hơn một năm nay, người ta đã sống chậm lại một chút. Khán giả
của chúng tôi phần lớn là những cá nhân, những đôi, những gia đình – những khán
giả mua vé lẻ. Họ tự bỏ tiền và tự tìm đến những tiết mục, vở diễn. Nên thời điểm
này, cái sự xem không phải là trào lưu, theo phong trào tập thể. Mà khán giả của
chúng tôi tự nguyện và mong muốn thưởng thức nghệ thuật Chèo thực sự. Mặc dù là
suy thoái, về kinh tế chúng tôi giảm đi nhưng cảm hứng cho nghệ sĩ đã tăng lên.
Nghệ sĩ cảm thấy hạnh phúc và diễn thăng hoa hơn vì gặp được sự ham muốn, chờ đợi
thực sự của khán giả. Chúng tôi cảm nhận sự trở lại thực sự của sân khấu.
Số lượng khán giả đến với
sân khấu Chèo năm nay so với ba bốn năm trước như thế nào, thưa bà?
Ba
bốn năm trước khán giả rất ít. Mỗi một chương trình mới ra rất trầy trật. Chúng
tôi phải mời những tổ chức, đoàn thể tới xem tập thể. Nhưng từ năm ngoái đến
nay, khán giả đã đến với chúng tôi ngày một đông hơn. Nhiều thì chưa dám nói
nhưng mỗi vở mới ra, công diễn khoảng 10 buổi hết vé. Mà giá vé cao chứ không hề
rẻ. Sắp tới đây chúng tôi sẽ công diễn Nàng Sita trọn tới đêm diễn thứ 1000 và
tổ chức kỉ niệm 1000 đêm diễn Nàng Sita. Các vở diễn Cao Bá Quát, Quan lớn về
làng cũng rất đông người xem, thường tổ chức từ 7- 10 đêm phục vụ khách.
Khi khán giả trở lại với
sân khấu Chèo thì đó cũng đặt ra những thách thức đối với người nghệ sĩ nói
riêng và NHCHN nói chung: làm khán giả hài lòng, giữ được khán giả và lôi kéo mạnh
hơn nữa hay sẽ trở lại giai đoạn đìu hiu của nhiều năm về trước. Bà và Nhà hát
đã chuẩn bị những gì mới cho sự trở lại đầy thử thách của khán giả thời điểm
này và thách thức lớn nhất đối với Nhà hát là gì?
Với
NHCHN thì không phải bây giờ mới nhìn thấy đây là thách thức của mình mà chúng
tôi đã được trải nghiệm tất cả những thử thách của khán giả thủ đô HN. Thứ nhất
là khán giả HN là đối tượng khán giả dân trí cao đồng nghĩa với đối tượng khán
giả khó tính, đồng nghĩa với khán giả đòi hỏi rất cao. NHCHN từ xưa đến nay được
tôi luyện trong áp lực thường trực ấy. Do đó khi xây dựng mỗi chương trình, tiết
mục mới chúng tôi luôn lựa chọn những cách thức chuẩn mực từ khâu kịch bản.
Chúng tôi luôn tạo dựng những ngôi sao mới, hình ảnh nghệ sĩ trẻ bên cạnh dàn
ngôi sao cũ: Quốc Anh, Thanh Loan, Thu Hằng, Quốc Chiêm… Mỗi vở diễn luôn có những
hình tượng cũ và những diễn viên trẻ mới.
Đời
sống đi rất nhanh, sự giao lưu quốc tế rất mạnh mà sân khấu giờ phải đuổi theo
không kịp. Sâu khấu Chèo phải tìm những đỉnh cao mới để kéo khán giả trở lại với
mình.
Tuy nhiên để duy trì
phong độ và giữ được khán giả Thủ đô thì Nhà hát không thể diễn mãi những vở đỉnh
cao cũ. Ở cương vị nhà lãnh đạo Nhà hát, xin bà cho biết con đường đi của nhà
hát được xây dựng và đi như thế nào?
Định
hướng của nhà hát chèo là bảo tồn những vở diễn kinh điển. Bảo tồn nó là yếu tố
cần và tất yếu là bệ phóng cho sự phát triển. Bởi vì không có cái truyền thống ấy
để các diễn viên trẻ kinh qua học hỏi những vở cổ điển ấy thì không thể nào đến
với nghề được. Nghệ sĩ nào kinh qua càng nhiều vai diễn mẫu thì càng có nhiều
thành công. Vì trong diễn cổ điển nó hội tụ tương đối đầy đủ các kỹ năng của
người nghệ sĩ Chèo.Tuy nhiên không phải là sự bảo tồn chết, trong những cái
kinh điển ấy xuất hiện những cái mới thể hiện ở: diễn viên mới với tài năng và
cá tính gánh vác trách nhiệm bảo tồn và những yếu tố phát triển mới; mỹ thuật,
âm nhạc, tiết tấu, trang phục, sân khấu, ánh sáng được thiết kế và sáng tạo khác xưa. Sân khấu Chèo giờ rất đẹp và lung
linh, tiết tấu nhanh, thông tin đời sống hôm nay được thổi vào cho dù là vở chèo
dân gian hay tích xưa,…Như vở Nàng Sita dựng lại công diễn lần này có nhiều điểm
khác với vở nguyên gốc dựng năm 1983: Mi về đạo diễn khác, dung lượng kịch bản giảm
1/3, tiết tấu nhanh hơn, thiết kế sân khấu, trang phục được thiết kế hiện đại,
chi tiết hơn.
Nhưng giả định rằng, tôi
ở tận Sóc Sơn rất thích xem Chèo nhưng không thể chạy xe về rạp Đại Nam xem được.
Vậy NHCHN làm thế nào để tìm đến những khán giả không ở trung tâm như vậy?
Mở
rộng địa bàn phục vụ, tìm đến khán giả là một phần trong chiến lược phát triển
rộng của chúng tôi. Một năm NHCHN có khoảng một trăm đêm đi biểu diễn ở các vùng
nông thôn ngoại thành Hà Nội. Nhất là Hoài Đức, Sóc Sơn, ba vì, Quốc Oai, Gia
Lâm… là những nôi chèo xứ Đoài, xứ Đông,… điển hình của chèo Bắc, chỉ cần có thông tin yêu cầu thôi là chúng
tôi sẵn sàng về huấn luyện cho những câu lạc bộ Chèo địa phương để vừa tự diễn
tự xem. NHCHN hướng tới xây dựng khán giả trẻ bằng chương trình 1-6 và Trung
thu cho em dành cho thiếu nhi từ ba năm nay, thu hút được rất đông khán giả,
trên 50 suất diễn trong năm nay. Thông qua các tiết mục, tích Chèo nhỏ các em
có thể hình dung được những nét dễ nhất về hát Chèo, diễn Chèo. Hy vọng qua đó nuôi
dưỡng cảm xúc về Chèo trong kí ức tuổi thơ của các em.
Vâng, nhiều người vẫn mơ về thời hoàng kim của
Chèo cách đây 20 năm. Bà có nghĩ rằng đó là một giấc mơ đẹp nhưng cần những định
hình thực tế hơn trước những ngành công nghệ giải trí hiện đại?
Không
thể nào. Tâm thế của người xem, tư duy, trí tuệ và cuộc sống hôm nay khác hai
mươi năm về trước. Nếu như cứ ngồi mơ và dựng chỉ để dựng và tiêu cho hết tiền
rồi lại mang ra kêu tại sao tôi dựng mà khán giả không xem, thì hãy tự xem xét
lại. Không cãi với Nhà nước, không cãi với khán giả chỉ cãi với lương tâm mình.
Nếu anh không tâm huyết, sáng tạo nửa mùa, vở hôm nay giống vở hôm qua, giống
năm ngoái giống mười năm về trước thì làm chỉ để chống đối, để hết trách nhiệm
với tiền Nhà nước. Làm trong tư duy như vậy thì không bao giờ khán giả đến. Tâm
thế của khán giả xem hôm nay không giống hai mươi năm trước thì hai cái đó
không bao giờ gặp nhau được. Nếu không có sự nhiệt huyết và cố gắng từ chính những
người làm nghề thì cũng không đem lại được nhiệt huyết cho người xem. Chúng tôi
biết rằng, việc giữ được nhiệt cho khán giả vô cùng khó. Chúng tôi sẽ tìm cách
để khán giả có thể đến được với những chương trình có chất lượng cao của NHCHN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét