Nhật ký
, 17/6/1996.
....Bước chân ra khỏi phòng thi, đằng sau tôi là những tiếng vỗ tay, ồn
ào những lời chúc mừng. Trên tay tôi, những bó hoa còn đang rưng rưng xúc động.
Tôi muốn thoát ra khỏi tất cả những gì vừa diễn ra. Thế là hết 15 năm học!
Tôi ngồi thừ ra, một mình trong phòng với cây đàn tỳ bà trong tay, biết
bao tháng ngày đàn đã cùng tôi miệt mài đi tìm hồn dân tộc. Khi gặp chuyện rủi
ro đàn đã khóc cùng tôi và cả bây giờ nữa khi không biết ai sẽ cần đến tôi và
người bạn tri âm này. Chẳng ai muốn nghe đàn cất lên những âm thanh trầm bổng,
những ngón đàn được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Mà tôi cũng chỉ mới
nhặt nhạnh được vài mẩu rơi vãi của các nghệ nhân. Còn cả một kho báu khổng lồ
tôi chưa hề được học, chẳng biết mình có duyên tìm được và giữ lại một phần nhỏ
của kho tàng ấy hay không. Tôi đã khao khát có được hồn nhạc truyền đời, và tôi
biết tôi sẽ còn khát khao mãi mãi. ...Câu hỏi ''bạn sẽ làm gì với tấm bằng cử
nhân trong tay?'' chợt thoáng trong đầu. …
Nếu chúng ta chỉ cần đàn ở nhà hàng để kiếm sống, chỉ cần đi diễn nước
ngoài với vài bài tủ. Ai sẽ là người tìm tòi, gìn giữ và tiếp tục sáng tạo nên
âm nhạc đang có nguy cơ bị thất truyền?
Giờ đây tôi đã nộp đơn xin ở lại trường và đang chờ quyết định xét duyệt. Niềm ao ước của tôi là được ở lại trường, tôi sẽ tiếp tục đi tìm những ngón đàn của ông cha và sẽ truyền lại cho thế hệ sau. Đó là trái tim và trí lực của tôi, thời cơ và may mắn đó có đến với tôi hay không, còn phải chờ xem đã....”
Giờ đây tôi đã nộp đơn xin ở lại trường và đang chờ quyết định xét duyệt. Niềm ao ước của tôi là được ở lại trường, tôi sẽ tiếp tục đi tìm những ngón đàn của ông cha và sẽ truyền lại cho thế hệ sau. Đó là trái tim và trí lực của tôi, thời cơ và may mắn đó có đến với tôi hay không, còn phải chờ xem đã....”
......…..
Cứ
thứ 3, thứ 5 thứ 7, ngôi nhà cổ số 28 Hàng Buồm lại nhộn nhịp người Tây,
người ta cả già và trẻ nhẹ nhàng đi vào, đi ra. Thấp thoáng trong ngôi nhà đó, bóng
một thiếu phụ trẻ có khuôn mặt hoa da phấn xinh đẹp và đôi mắt buồn luôn phảng
phất nét phiêu diêu. Chị là Nghệ nhân Phạm thị Huệ, cũng là người quản lí và đào
tạo các ca nương trong giáo phường Ca Trù Thăng Long. Là cô nữ cử nhân xuất sắc
đàn Tỳ Bà, học viện Âm nhạc Hà nội ngồi ôm đàn trong đêm tốt nghiệp viết những
dòng nhật ký đầy suy tư và khao khát. Mười hai năm đã qua, giờ cô cử nhân ấy là
nghệ nhân dân gian, đào nương, đào đàn, thạc sĩ, chủ nhiệm giáo phường ca trù
Thăng Long - một trong những giáo phường ca trù hoạt động tích cực nhất hiện
nay. Tài sắc vẹn toàn, tài năng hiếm có vừa là ca nương vừa kép đàn như Phạm Thị
Huệ cũng là xưa nay hiếm trong Ca Trù.
Tháng 6 năm 2006, lễ “mở xiêm y”
cho đào/kép của phường Ca trù tưởng như chỉ còn trong trang sách đã xuất hiện
trở lại sau 60 năm vắng bóng biệt tăm. Đệ nhất ca nương Nguyễn Thị Chúc và đệ
nhất đàn kép Tứ kỳ Nguyễn Phú Đẹ đã đứng ra chủ trì “mở lễ xiêm y” cho học trò Phạm Thị Huệ chính thức trở thành ca nương, kép
đàn, được phép diễn xướng độc lập. Lần đầu tiên, Ca Trù xuất hiện một nghệ sĩ
thanh sắc vẹn toàn hát hay đàn giỏi.
Nghệ nhân dân gian, đệ nhất danh ca của thế kỷ
XX, Nguyễn Thị Chúc nhớ lại “Tuần ba buổi, Huệ đi xe đến tận nhà tôi xin học.
Chỉ học trong vài tháng, Huệ đã thuộc hết các bài. Tuy còn phải tập luyện nhiều
nhưng bấy nhiêu thôi cũng cho thấy cô ấy là tài năng ca Trù thiên bẩm. Dần dà tôi
hiểu rằng Huệ sinh ra và sống vì ca Trù chứ một chữ tâm huyết thôi chưa đủ”. Còn
danh cầm đàn đáy Tứ Kỳ hay người của những ngón đàn tuyệt chiệu - nghệ nhân
Nguyễn Phú Đẹ luôn cười hài lòng vì ở tuổi 82 ông mới nhận được một truyền nhân
lại là người học trò “có bàn tay vàng” rất dỗi chăm chỉ, ròng rã ba tháng liền đi
đi về về cả trăm cây số xuống nhà ông theo học.
Tháng tám năm đó, ca nương Phạm
Thị Huệ cùng hai người thầy của mình lập ra câu lạc bộ ca trù Thăng Long với
mong muốn đưa ca trù tới đông đảo khán thính giả và đào tạo lớp ca nương, kép đàn
kế cận. CLB Ca Trù Thăng Long đã thu hút được nhiều học trò trẻ tuổi và ngày được
nhiều khán giả biết đến. Mong muốn khôi phục lại nhạc cổ, tìm về nhạc cổ nguyên
vẹn thể hiện ở mốc son mà Ca Trù Thăng Long đã làm được đó là đưa nghệ thuật Ca
trù về cửa đình trình diễn. Định kỳ hàng tuần, bầu đoàn đào nương, kép đàn CLB
Ca trù Thăng Long biểu diễn và truyền dạy tại đình làng Cống Vị (Ba Đình) thu hút
thêm nhiều khán giả đến với Ca trù và CLB.
"Từ không gian Hát cửa đình, đến thế kỷ 19 mới phát sinh không gian
ca quán. Hát cửa đình là một trong những hình thức diễn xướng chính thống và lớn
nhất của ca trù." (nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền). Với những đêm diễn ở
Đình làng Cống Vị, CLB Ca trù Thăng Long đã mở một "lối đi ngược" ý
nghĩa - đưa Ca trù từ ca quán trở lại với không gian Hát cửa đình. Hoạt động lặng
lẽ và da diết như thanh âm đàn tỳ bà, hai năm sau ngày thành lập, CLB Ca Trù Thăng
Long lại mở lễ xiêm y theo đúng trình thức cổ truyền cho bảy ca nương, kép đàn
sau những năm tháng đào tạo và rèn luyện công phu. Họ đều là những người rất trẻ,
tuổi đời trên dưới 20 như Thu Thuỷ, Thuỳ Chi, Kim Ngọc, Lệ Nhật…
Trong đêm biểu diễn tại đình Cống
Vị để kính cúng tiền nhân khi UNESCO công bố Ca trù là di sản văn hoá phi vật
thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp, trong khi mọi người náo nức, hồ hởi
thì Huệ nương lại không khỏi ngậm ngùi khi giữa làn điệu Cảm thu, Thét nhạc của
Ca trù cổ lại chói lên tiếng loa hát nhạc mới của một cuộc hội họp gì đó ầm ĩ
loa đài ở bên cạnh. "Mặc dù rất được Ban quản lý Đình Cống Vị ủng hộ và
quan tâm, và chương trình đã có sự chuẩn bị trước, để chào mừng ca trù và quan
họ được thế giới công nhận, nhưng vẫn thiếu một sự tôn trọng và nhường nhịn cần
thiết để có được một đêm diễn theo ý muốn chúng tôi. Nhưng đó cũng là điều mà
tôi thường chứng kiến trong quá trình đeo đuổi ca trù". Nghe như tiếng
than thật xót xa “Nghệ thuật truyền thống vẫn chưa có được chỗ đứng trong công
chúng!”.
Đau đáu một hành trình dài xuyên
suốt: tìm về với nhạc cổ - di sản văn hoá dân tộc, khôi phục, bảo tồn và làm sống
lại trong lòng công chúng, trong đời sống hiện đại Phạm Thị Huệ đã tự định cho
mình con đường đi. Tưởng như chặng đường hiện tại làm sống lại một đời sống âm
nhạc “đã đi xa quá xa đời sống hiện tại của chúng ta bây giờ” là thử thách chông
gai nhất thì Huệ nương đã tìm được lối đi. Không hạn hẹp trong những bài ca cổ,
và các thức, bên cạnh việc quảng bá nét đẹp của ca trù, đưa ca Trù tới gần công
chúng bằng những chương trình biểu diễn đều đặn tại ngôi nhà cổ 28 Hàng Buồm, Phạm
Thị Huệ đã đưa kỹ thuật thanh nhạc của ca trù ngâm, nảy những trích đoạn trong
Kiều, chị cũng dùng ca trù để viết Kiều khúc cho đàn Tỳ bà độc tấu và hát. Nhìn
lại những thành công nối tiếp của Ca Trù Thăng Long, từ những giải thưởng lớn
trong cuộc thi Liên hoan ca trù toàn quốc (2009), giải thưởng Đào Tấn cho các
nghệ nhân, bằng khen có công trong việc gìn giữ văn hoá cổ của Bộ Văn Hoá, Thể
Thao, và Du lịch,…trở thành giáo phường Ca trù Thăng Long hoạt động theo các
chuẩn mục luật lệ, tục xưa, đến danh hiệu Nghệ nhân dân gian do Hội Văn nghệ Dân
gian Việt Nam trao tặng (năm 2012…thì ánh hào quang ấm áp đã xua đi nhiều chông
gai và thử thách. Tài năng và định mệnh gắn ca Trù, nghệ nhân dân gian Phạm Thị
Huệ đang từng bước đưa Ca trù - một nét đẹp của văn hoá truyền thống Việt Nam,
đến với công chúng trong nước và quốc tế.
Hà nội những ngày đầu năm 2013,
Trần Nga
Tìm hiều thêm thông tin về CLB ca trù Thăng Long tại: www.catruthanglong.com
Tìm hiều thêm thông tin về CLB ca trù Thăng Long tại: www.catruthanglong.com