Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

Tấm-Cám _ Thay đổi đoạn kết hay Sự lúng túng của các nhà giáo dục Việt Nam


Tấm _ Cám là một câu chuyện cổ tích độc đáo, li kỳ và hấp dẫn. Sự khác biệt của nó với những câu chuyện cổ tích chính là đoạn kết, sự vùng dậy hay sự độc ác của cái thiện.
Sự thay đổi đoạn kết thực ra là việc viết lại một câu chuyện khác cho phù hợp với quan niệm và mong muốn của nhà biên soạn. Như vậy sẽ dẫn tới nhiều bất cập, thứ nhất không tôn trọng tác giả dân gian - những người sáng tạo ra tác phẩm này trong bối cảnh của văn hóa, tư tưởng và quan niệm về cái thiện, cái ác cũng như vòng luân hồi của cuộc sống của họ. Bất cứ một tác phẩm văn học nào khi phân tích nó không thể bỏ qua tác giả và hoàn cảnh sáng tác, bởi nó là một phần ngữ cảnh của câu chuyện.
Thứ hai, Tấm Cám thuộc thể loại văn học dân gian, khi thay đổi đoạn kết, tức là xác nhận việc thay đối, chỉnh sửa tác phẩm này, vậy chúng ta sẽ phải xếp nó vào thể loại văn học dân gian- đương đại chăng?
Phải chăng sự thay đổi đoạn kết này cho thấy sự khó xử của các nhà giáo dục- biên soạn sách giáo khoa khi đưa ra những quan điểm giáo dục và dạy học cho học sinh về hình tượng cô Tấm? Phải chăng các nhà giáo dục muốn giữ hình ảnh thiện lương của cô Tấm và cổ vũ lí thuyết kinh viện về cái Thiện của nhà sư phạm: nhất định luôn luôn tốt, tốt đến chết, "kiểu gì vẫn giữ là tốt", không nhúng "chàm", giữ thiện là khi "người ta tát má bên phải thì chìa nốt má bên trái"? và như thế cái Thiện sẽ luôn luôn thắng, luôn luôn được công nhận?
Chúng ta đều hiểu rằng sự độc đáo của Tấm- Cám chính là sự phản ánh một cách trung thực đời sống và tâm lí của nhân sinh của con người vượt ra khỏi tính ước lệ của những ước mơ dân gian về hình ảnh cái Thiện "con giun xéo mãi cũng quằn" hay sự tâm lí "trả thù", "trả miếng" có sẵn trong suy nghĩ của tất cả chúng ta.
Tại sao phải thay đổi phần kết của một câu chuyện dân gian thuộc thể loại cổ tích? khi điều quan trọng hơn là hướng cho học sinh cách cảm thụ và suy nghĩ về tác phẩm và nhân vật thay vì "ủng hộ" theo quan điểm và hình ảnh sắp đặt của nhà giáo dục? thay vì việc kết luận Cô Tấm là hình ảnh đại diện của cái Thiện và mẹ con Cám là đại diện của cái Ác, hãy để học sinh tự kết luận và bình luận về hành động trả thù của Tấm. Hay học sinh có thể đặt mình vào hoàn cảnh của Tấm, thì sẽ hành động ra sao? Tương tự đặt vào hoàn cảnh của Cám thì sẽ "đối xử" với Tấm như thế nào?
Sự áp đặt những quan niệm để xây dựng, đóng khung hình tượng và nhân vật văn học trong giảng dạy của các nhà giáo dục không những bóp nghẹt sức lan tỏa, truyền cảm hứng của tác phẩm mà còn là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tư duy thụ động của học sinh

1 nhận xét: