Năm 2004 Luật Xuất Bản được ban
hành, đã mở ra hành lang pháp lí cho phép tư nhân liên kết với Nhà xuất bản làm
sách và phát hành sách. Được hỗ trợ chính sách phần nào về thuế, về lĩnh vực
ngành nghề, nhưng không được bao cấp như NXB, tư nhân liên kết xuất bản đã hồ hởi
(có cả tự hào) làm sách với tất cả sự sống còn của doanh nghiệp, với sự nhanh
nhạy thích ứng với nhu cầu độc giả, đồng thời cũng đặc biệt nhanh nhạy thỏa mãn
và kích thích nhu cầu “thư giãn và giải trí” để theo đuổi những mục tiêu doanh
số phát hành.
Một thập kỉ nhìn lại, thị trường
sách Việt phát triển mạnh mẽ, cho dù từ năm 2009 nền kinh tế bắt đầu suy thoái,
đặc biệt sụt giảm nghiêm trọng vào những năm 2010-2012, ngành xuất bản vẫn là một
trong số ít ngành có chỉ số tăng trưởng và doanh thu tăng lớn. Bạn đọc không
còn rơi vào tình trạng thiếu thốn xuất bản phẩm. Thậm chí các tác phẩm mới xuất
bản ở Mỹ, bestseller của Mỹ, Anh trụ hạng một tuần, thì chỉ chưa đầy một tháng
sau đã xuất hiện phiên bản tiếng Việt tại thị trường Việt. Không còn tình trạng
khan hiếm, đói đề tài. Hàng loạt các nhà sách được đầu tư lớn mở khắp các thành
phố trung ương và thành phố các tỉnh cho thấy các doanh nghiệp xuất bản liên kết
– phát hành đã tìm được những hướng đi, khẳng định và trụ vững trong thị trường
xuất bản.
Nếu như năm 2006, toàn Ngành đã
xuất bản được 19.100 cuốn sách với 244,85 triệu bản, thì năm 2014, tổng số sách phát hành trên toàn hệ
thống là 378 triệu bản, số lượng sách phát hành tăng 70% so với 2006. Nhìn vào
những con số thống kê về số lượng đầu sách cũng như số lượng bản in tăng hàng
năm và ổn định, có đủ cho chúng ta một cái nhìn lạc quan về thị trường xuất
bản? phải chăng người đọc gia tăng? Số lượng tiêu thụ đang ngày càng lớn? Và
bạn đọc đang gia tăng, hoặc đã có nhiều thích thú với sách. Những con số tăng
trưởng, và sự phát triển này khiến những định kiến và đánh giá về “tình trạng
đọc sách suy giảm”, “lười đọc ở giới trẻ”,...băn khoăn và hồ nghi.
Trong năm 2014 với tổng doanh thu Ngành Xuất Bản đạt 2.038,2
tỷ đồng (tăng 2,1% so với năm 2013), nộp ngân sách 50,308 tỷ đồng (tăng 14,4%
so với năm 2013). Tổng số sách phát hành trên tăng 2% so với năm trước; xuất
khẩu 378 triệu bản sách. Nhưng tại sao, ngành Xuất bản lại khá im ắng và chỉ
khiêm tốn cho rằng đó là những phát triển “đáng ghi nhận”. Bởi vì, năm 2014
chính là năm “bùng nổ” những sai phạm trong hoạt động quản lí xuất bản, uy tín
của Nhà xuất bản và cơ quan quản lí xuất bản sa sút trong cộng đồng xã hội. Đầu
sách và số lượng ấn bản tăng trưởng, song chất lượng “chưa đồng đều; nhiều cuốn
sách có nội dung vô bổ, nhảm nhí, thiếu tính giáo dục; một số xuất bản phẩm sai
phạm nghiêm trọng bị dư luận phản ứng dữ dội, ảnh hưởng lớn đến uy tín của toàn
ngành”.
Sự phát triển và tăng trưởng của sách và thị trường sách một
lần nữa khẳng định vị thế và sức sống của sản phẩm tinh thần đặc biệt này đối
với bạn đọc tiêu dùng. Sự tăng trưởng và phát triển của sách (thể loại, đề tài,
số lượng, kiểu cách) và thị trường sách, mà công sức phát triển của giới tư
nhân liên kết xuất bản/ của xã hội hóa xuất bản đóng một vai trò lớn và quan
trọng nhờ cú hích nhẹ nới lỏng cơ chế xuất bản, cũng bộc lộ rõ những mảng sậm
của đặc thù sản phẩm thị trường.
Nếu
như năm 2006, mức độ sai phạm của ngành xuất bản là: 32 cuốn không có
đăng ký kế hoạch xuất bản, 74 cuốn sai tên so với đăng ký, 23 cuốn sai tên tác
giả, 15 cuốn không có số đăng ký, thì năm 2014, qua
công tác thanh, kiểm tra trong lĩnh vực xuất bản của riêng Ngành, đã phát hiện,
xử lý 399 xuất bản phẩm vi phạm (tăng 57% so với 2013). Trong đó, vi phạm
chủ yếu là mạo danh nhà xuất bản, in lậu, nhập lậu, lưu hành bất hợp pháp, ghi
không đúng, không đầy đủ thông tin trên xuất bản phẩm... Mức độ sai phạm
trầm trọng, bạo liệt, táo tợn và tràn lan .. nhiều hơn.
“Dù số lượng sách xuất bản cao hơn so với năm
trước, nhưng chất lượng. Đặc biệt, hiện tượng vi phạm bản quyền vẫn còn tiếp
diễn nghiêm trọng và phức tạp. Tình trạng xuất bản nhưng không có văn bản chấp
thuận của tác giả, vi phạm chủ sở hữu quyền tác giả xảy ra rất nhiều. Nguyên
nhân là do sự tiếp tay của một số nhà xuất bản cho các đầu nậu sách, điều này
gây phương hại đến tinh thần nghiên cứu, sáng tạo của nhân sĩ, trí thức, phá
hoại sản xuất của chính ngành xuất bản, gây ảnh hưởng rất xấu đến cộng đồng, xã
hội...”
Không chỉ sụt giảm về
uy tín, trong khi tư nhân liên kết xuất
bản liên kết phát triển, phình to thì các Nhà Xuất Bản đang sống mòn. Hoạt động
cầm chừng, dựa vào đơn đặt hàng, sự trợ cấp của Nhà nước và doanh thu từ bán
giấy phép xuất bản, lâu dần, các NXB đã trở nên ốm yếu như thế, kéo theo hệ lụy
những BTV của họ vì đời sống của mình mà đồng lõa, tiếp tay, cẩu thả trong hoạt
động biên tập, kiểm duyệt nội dung bản thảo, chưa nói đến chính họ đã góp phần
không nhỏ tạo nên những bản thảo rác, phi bản quyền. Cả nước có hơn 60 NXB, thì
chưa đến 10 NXB có sức sống trong thị trường.
Gần đây, Nhà xuất bản
HarperCollins, một trong 5 NXB lớn nhất thế giới, đã gửi thông báo đến công ty
First News (công ty mua bản quyền và dịch cuốn sách, phát hành tại Việt Nam)
của Việt Nam về tình trạng in lậu trắng trợn cuốn sách "Bí mật tư duy
triệu phú" của tác giả T. Harv Eker tại Việt Nam và yêu cầu First News
trong tuần tới gửi công văn đề nghị lên Tổng lãnh quán Mỹ tại TP.HCM trợ giúp
bảo vệ quyền lợi trực tiếp của họ. Firt News đã phát hiện tình trạng in lậu
cuốn sách này của họ từ năm 2011, nhưng vẫn bất lực cho đến nay.
tiếp theo....Xây dựng và phát triển
văn hóa đọc - bắt đầu từ đâu?
MINH ANH
nguồn: Báo Văn Nghệ