Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

MẠNG XÃ HỘI: THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI CỦA NGƯỜI LÀM BÁO



Sự ra đời của facebook, tweeter, blogspot,… đã mang đến cho báo chí những thách thức lớn bởi sự chia sẻ, truyền thông thông tin lan toả siêu tốc, kết nối mạnh mẽ cộng đồng sử dụng bất chấp mọi ranh giới địa lý và những rào cản pháp chế địa phương. Và cũng bởi những tính năng này, mạng xã hội nhanh chóng được báo chí thế giới sử dụng như một công cụ truyền tin, một nguồn cộng tác viên phong phú, một kênh truyền thông báo chí, một nguồn tin lớn….
Ở Việt Nam, mạng xã hội đã xuất hiện và được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng: Facebook đã có 12 triệu thành viên, dự kiến sẽ tăng lên 24 triệu người vào cuối năm nay, Zingme khoảng 9 triệu thành viên…., và đang được nhiều người sử dụng như một kênh truyền thông, một môi trường để tập hợp và chia sẻ những thông tin chính trị, kinh tế, văn hoá… với những kỹ năng và sự nhanh nhạy của nhà báo. Bên cạnh đó, giới báo chí chính thống đang nhìn vào mạng xã hội với thái độ e dè, ít nhà báo coi mạng xã hội là cơ hội trong tác nghiệp.
Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa phóng viên và ông Mai Phan Lợi, phó Tổng thư ký báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh, chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng – MEC. Ông Lợi là người đã thành lập ra trang Facebook Diễn đàn nhà báo Trẻ cho trung tâm MEC, năm 2011. Sau hơn 1 năm, đã quy tụ được gần 5000 thành viên là các nhà báo tương lai và các nhà báo đang công tác tại nhiều cơ quan báo chí trên cả nước.
Trung tâm.MEC trực thuộc Hội Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ Thuật Việt Nam và là tổ chức phi lợi nhuận thứ hai nghiên cứu về truyền thông ở Việt Nam.
Anh là người thành thạo và thông thuộc facebook, cũng như sử dụng facebook hiệu quả trong tác nghiệp báo chí. Anh đánh giá vai trò của mạng xã hội như thế nào với tư cách là một nhà báo?
 Mạng xã hội mang đến nhiều cơ hội cho các nhà báo và cũng đầy thách thức đối với người làm báo. Cơ hội là nguồn cung cấp các đề tài, phát hiện các đề tài, tăng âm cho các bài viết, thậm chí gia cố thêm nhiều nguồn tin và dữ liệu. Nhưng thách thức, vì phải cạnh tranh với mạng xã hội ở tính lan toả nhanh và rộng khắp. Người làm báo cũng dễ rơi vào những cái bẫy là những thông tin không chính xác, không có thật ở mạng xã hội.
Ở nhiều nước như Austrilia, Anh, Mỹ,…mạng xã hội đã được nhiều tập đoàn báo chí sử dụng như một flatform báo chí - môi trường của báo chí hay một kênh báo chí. Còn ở nước ta hiện nay, nhà báo như anh đang sử dụng mạng xã hội như một công cụ tiếp cận nguồn tin, truyền tải những thông tin mà tờ báo chính thống muốn tránh né vì thời điểm công bố thông tin, vì tôn chỉ của tờ báo,… Anh đánh giá tương lai mạng xã hội với vai trò báo chí ở Việt Nam như thế nào?
Việt Nam và nước ngoài có nhiều sự khác biệt, khác thứ nhất là hạ tầng. Hạ tầng ở Việt Nam còn nghèo nàn, đặc biệt là dân trí. Người dân vẫn tin báo chí lắm, thậm chí có người cực đoan không tiếp cận một mạng xã hội nào chỉ đọc báo chí chính thống. Bản thân người làm báo thì cũng còn hồ nghi thông tin mạng xã hội, chẳng hạn thông tin kết quả bầu cử đã tràn lan trên mạng xã hội nhưng nhà báo vẫn chờ đợi thông tin chính thức và không dùng thông tin từ đó làm nguồn tin chính thức, nữa là người dân. Khán giả Việt lại thích một cái gì đó được chế biến, có sẵn hơn là tự tư duy và phân tích nên họ thường tin ngay vào những điều báo chí viết.
Thứ hai là trình độ của chính các nhà báo. Ở Việt Nam, nhà báo là những người được đào tạo bài bản. Nên thông tin họ đem lại ngoài nội dung thông tin đơn giản còn có tính định hướng rõ ràng, còn thông tin trên mạng xã hội gần như là là thông tin đơn sơ, thông tin nguyên gốc không có tính định hướng, hết sức tự nhiên chủ nghĩa.
Trong một tương lai gần, báo chí  đặc biệt báo điện tử  sẽ vẫn là song hành chứ không lấn át mạng xã hội, và cũng sẽ vẫn là thách thức cho nhà báo, tờ báo nào không có ý chí, phương pháp vượt lên trên mạng xã hội để trở thành nơi cung cấp thông tin tin cậy. Việc sàng lọc thông tin mạng xã hội sẽ ngày càng tốt hơn khi dân trí được nâng cao dần.
Vì sao anh cho rằng mạng xã hội không thể trở thành một kênh báo chí ở Việt Nam?
Chắc chắn trong thời gian 5-10 năm nữa, thì báo chí vẫn là kênh chủ đạo lấn át. mạng xã hội có phát triển nhưng không phải là kênh báo chí. Mạng xã hội không phải là một thế lực trên trời rơi xuống, cung cấp thông tin mà thực chất nó là của những người dân cung cấp. Mà người dân Việt Nam, năng lực cung cấp thì còn rất lâu mới có đủ năng lực cung cấp thông tin ngang với báo chí. Qua công tác nghiên cứu, và đào tạo của chúng tôi, ngay cả những công chức nhà nước, những người được trang bị kiến thức sâu rồi nhưng năng lực cung cấp thông tin còn hạn chế, ngay cả bộ trưởng, năng lực cung cấp thông tin và làm hình ảnh cho mình còn hạn chế, còn không được quan tâm đúng mức. Chúng ta đừng nói mạng xã hội là siêu nhiên, vô hình, nó thực chất chỉ là phương tiện của từng người dân thể hiện tiếng nói. Nhưng chúng tôi đánh giá từ cách thức tiếp cận thì người dân không thể có khả năng vươn lên ngang ngửa với nhà báo trong thời gian ngắn được.
Anh đánh giá như thế nào về sự quan tâm của các  nhà quản lý báo chí, cũng như lãnh đạo các cơ quan báo chí đối với xu thế trở thành kênh báo chí và một công cụ báo chí của mạng xã hội?
Báo chí trong nước dường như chưa sẵn sàng trong việc tiếp nhận mạng xã hội như một kênh thông tin công cụ truyền thông.
Theo quan sát của tôi, hiện giờ còn khá nhiều nhà báo và cơ quan báo chí vẫn ngủ yên trên phao bao cấp, và trì trệ của mình. Hiện cũng có một số tờ báo đã dùng mạng xã hội để quảng bá, tương tác với bạn đọc song vẫn chưa chuyên nghiệp đến mức cử người chuyên trách riêng, có dự trù tài chính riêng, có chiến lược quảng bá, marketing cho tờ báo của mình.
 Trong khi nhiều cơ quan báo chí nước ngoài đã quy chuẩn cho việc sử dụng mạng xã hội thì ở ta ít có một tờ báo nào làm được điều đó. Báo Pháp luật Thành phố HCM là một trong số ít đó, có quy chuẩn ứng xử của phóng viên, hướng dẫn phóng viên tiếp cận nguồn tin như thế nào trong đó có nguồn tin từ mạng xã hội, xử lý như thế nào, tin gì nên sử dụng, tin gì không một cách cụ thể.
Về điều này, tôi nghĩ đáng rung lên để báo động, các nhà báo, cơ quan báo chí nên nhanh chóng, mạnh mẽ hơn trong tiếp cận các cơ hội và chế ngự các thách thức của mạng xã hội.
Anh mới nói đến khía cạnh cơ quan báo chí, còn về chính sách,  đạo luật cũng đang rất hạn chế trong việc tạo môi trường pháp lý, cũng như khuyến khích sự phát triển và ứng dụng của  mạng xã hội. Phải chăng vì hiện nay, mạng xã hội vẫn bị coi là thế giới ảo?
Trước đây, tôi cũng nghĩ đó là một thế giới ảo. Nhưng bây giờ tôi cảm giác, giới quan chức còn coi đấy là một nguồn nguy hiểm. Có nơi, mạng xã hội được dùng như một công cụ kêu gọi lật đổ chính quyền, nên dường như có một sự e ngại với mạng xã hội mà quan chức của mình không kiểm soát. E ngại thứ nhất là, nếu khuyến khích nó thì liệu có phải mình đang tiếp tay cho một thế lực thù địch không? Nhưng có một cái sâu xa hơn, không ai thừa nhận, ở một nước sự minh bạch chưa cao như Việt Nam, mạng xã hội cũng là nơi xuất hiện những tố cáo tham những của quan chức. Tôi biết có trang mạng chỉ đăng về nhà của các quan chức, không có lời bình, chụp ảnh tất cả những ngôi nhà của người có chức có quyền không có lời bình luận. Mặc dù chưa có ai bị truy hỏi về nguồn gốc tài sản, nhưng đăng lên đó đã là một nguy cơ bị bại lộ rồi. Do đó những người làm chính sách chưa khuyến khích sự phát triển của mạng xã hội.
Tuy nhiên, việc một ai đó e ngại lộ tài sản tham nhũng, e ngại lộ nhân thân, hoặc chưa đánh giá đúng tầm quan trọng và ảnh hưởng của mạng xã hội thì chẳng khác nào đi ngược với sự tiến bộ của xã hội và mất đi cơ hội mà công nghệ, khoa học mang đến cho cộng đồng. Với sự phát triển của mạng xã hội, chúng ta cần những đạo luật cụ thể để tạo nên những giới hạn mà người dùng phải chấp hành để đảm bảo cho sự ổn định, văn minh của xã hội. Theo anh, những quy định cho mạng xã hội  nên như thế nào để phát huy được mặt tích cực của nó?
Nên coi mạng xã hội như là một vỉa hè của xã hội của chúng ta. Ở đó sẽ có người mặc comple, có người cởi trần, người mặc áo rách…. Nhưng không có nghĩa là được đánh nhau, chửi bậy, lăng mạ người khác, công kích, bài xích một đối tượng nào đó…. Song, mạng xã hội là một không gian tự do hơn của những nghị định, thông tư của luật báo chí. Chính vì sự tự do, đời thường đó mà mạng xã hội hấp dẫn người sử dụng. Do đó, chính sách cho nó nên khoanh những điều cấm kỵ hơn là khoanh những điều được làm. Vì như vậy sẽ làm hạn hẹp đi không gian tự do của mạng xã hội.

Minh Anh thực hiện

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

Nghĩ về cái chết của tên trộm chó




Cả trăm người dân xã Yên Thành (Nghệ An) xông ra bắt trộm, rồi họ đánh hội đồng đánh hai tên trộm be bét máu me…. Họ kéo đến ngày càng đông, và đánh cho kẻ trộm không thành kia đến chết. Họ đốt xe máy. Nhìn đám lửa cháy bừng bừng… Họ nhất quyết không cho xe cứu thương đưa tên còn lại đi cứu chữa. Hừng hực, nghiến răng như muốn đi đến tận cùng. Lửa cháy, máu đổ mà lòng người vẫn chưa nguôi. Người ta làm sao vậy? Lạnh người và sợ hãi. Sao người dân lại có thể tàn bạo thế….
Sao người dân lại có thể làm thế?  
Cách đây lâu lâu, khi trong xóm có nhà mất trộm chó, tiếc của, xót chó người ta bảo chắc đứa nào đói ăn quá đi làm càn… Cách đây vài năm, người ta bảo chắc mấy thằng nghiện thiếu tiền mua thuốc quẫn liều đi bắt chó…. Giờ người ta căm và chỉ muốn đập chết mấy thằng trộm chó. Mấy thằng mạt hạng, mạt vận, đi ăn cướp, ăn trộm lại táo tợn đánh, chém cả chủ nhà….
Xưa kia, ăn trộm phải lấm lét, rình mò, nay ăn trộm thản nhiên, táo tợn và trắng trợn. Đâu đâu cũng thấy trộm cướp rình mò. Đến cửa quan thì mất tiền đằng cửa quan. Nhưng đến cửa quan vì có công có việc, dù tức tối nhưng muốn xong việc mà vẫn phải chịu. Quan tỉnh, quan huyện, quan xã … họ có quyền, họ nó ngang, nói dọc, họ bày tục nọ thủ kia… thì mình đành chịu. Chẳng lẽ cả làng, cả nước chịu cả mấy thằng ăn cắp vặt, mà nó lại ngang nhiên chửi mình, đánh mình và lấy đi tài sản của mình, con vật yêu quý của mình. Thậm chí xông vào nhà cướp cả điện thoại di động, máy tính. Nay nó bắt chó, mai nó bắt cóc cả con, đe doạ, giết chết cả nhà. Trông đợi vào đâu? Chả còn cách nào khác là phải hò nhau đập chết nó.
Mới nghe người dân giết kẻ trộm chó, đánh tàn bạo cho đến chết vì mấy con chó, thật là phi lý, phi tình thậm chí "phi văn minh", "hoang dã", "ác độc", "phi pháp luật", ...song có lẽ đằng sau nó là cả những bức bối, những stress xã hội đang quá nặng gây áp lực và khiến người ta dễ nổi giận, dễ muốn trả giận, trả thù...

Vì đó là cuộc sống, là lẽ sống và bản năng sinh tồn…
Và ... chở thuyền là nước, lật thuyền là nước…