“May quá, em gửi được bác Trần Dân Tiên, con ngựa gỗ này. Ngôi nhà của bác ấy rất rộng và có một phòng để không…. Thu Vân mừng rỡ thông báo với bạn sau cuộc triển lãm sắp đặt Icarooh của cô. Quả thật tìm một chỗ cho con ngựa gỗ nặng 200 kg với đôi cánh sưng phồng dài bốn mét không phải dễ dàng chút nào ở đất Hà Nội. Còn những tảng đá em sẽ nhờ người ta tháo bóng đèn ra và đập đi….
Chỉ trước đó vài ngày, tác phẩm Tảng đá đó được giới truyền thông ca tụng là … Hơn 700 bóng đèn nhỏ được luồn từ dưới những tảng đá, ngoi lên và toả sáng lấp lánh như những viên ngọc trai khổng lồ. Dù rất sáng và nóng khi lại gần nhưng người ta không cảm thấy ấm áp. Không khí bưng bức của cuộc chiến chen lấn và ham muốn về cuộc sống tự do, tự nhiên đang diễn ra giữa bê tông và ánh sáng trong sự tương phản về màu sắc gây choáng ngợp... Câu hỏi được đặt ra là đằng sau những cuộc trưng bày hoành tráng, công phu và nhiều lời ca tụng, những tác phẩm nghệ thuật đương đại không biết … về đâu?
Nghệ thuật thị giác liệu có bền hơi!?!
Hai, ba năm gần đây, sự xuất hiện dày đặc của những triển lãm trưng bày tác phẩm theo xu hướng nghệ thuật sắp đặt hay thị giác,… đã khiến chúng dần trở nên quen thuộc đối với công chúng Việt Nam ở các thành phố lớn. Sự lạ mắt, kỳ dị hay đẹp lạ lùng của các tác phẩm cũng ít nhiều mê hoặc và làm người xem suy nghĩ cũng như tìm hiểu về loại hình mới này. Trong khi giới phê bình và hoạ sĩ có những quan niệm và đánh giá khác nhau: dè chừng, phê phán, khen ngợi,… thì càng ngày, những triển lãm và trưng bày chuyên nghiệp, quy mô của những hoạ sĩ được đào tạo bài bản, có nhiều trải nghiệm giao lưu quốc tế đã phần nào khẳng định nghệ thuật thị giác, hay sắp đặt…thực sự là một phương thức biểu đạt cảm xúc, cảm hứng mới đầy hiệu quả cho phép người nghệ sĩ thăng hoa trí tưởng tượng nhờ sự phóng túng trong sử dụng chất liệu, không gian và hình thể. Và rõ ràng, ngoài toan và những mảng màu, hoạ sĩ còn có thể sáng tạo những tác phẩm bằng những chất liệu khác nhau và xây dựng những không gian riêng cho tác phẩm của mình.
Hiện nay, nghệ thuật thị giác khá thu hút giới hoạ sĩ trẻ Việt Nam song theo đuổi nó quả là một thách thức lớn. Song, Nghệ thuật thị giác mới chỉ dừng lại như những liveshow đối với người hoạ sĩ. Phần nhiều phụ thuộc dự án tài trợ, những nghệ sĩ giàu có hơn thì lâu lâu làm một cuộc trưng bày chung cho vui. Ba bốn năm trước, sự thực đã có một số cuộc trưng bày cá nhân chuyên nghiệp và gây được cảm tình cũng như ấn tượng lớn đối với người xem như Bốn Mùa của Đào Châu Hải, Giang của Lý Trần Quỳnh Giang hay Một Bọn của Nguyễn Thuý Hằng, Bụi, xe mờ bóng phố của Bằng Nhật Linh
...
Sáng tác xong rồi tác phẩm bày đâu?
Để chuẩn bị cho một cuộc trưng bày cá nhân được đánh giá cao như vậy, không tính đến những tác phẩm trưng bày gây được cảm xúc và hiệu ứng nghệ thuật mà người nghệ sĩ dày tài và dày công sáng tạo, thể hiện trong nhiều tháng, năm, sự đòi hỏi về mặt không gian và ánh sáng rất công phu cũng như những phương tiện kỹ thuật công nghệ hiện đại khác hỗ trợ như hệ thống ánh sáng, máy chiếu.
Khi quyết định làm một trưng bày cá nhân, hoạ sĩ thị giác thường phải tự lo từ a-z, từ khâu sáng tác đến công việc chuẩn bị triển lãm, đến mặt bằng trưng bày và sa xỉ hơn nữa là cất những tác phẩm dày công đó ở đâu.
Trước hết về không gian, theo cuaro Trần Lương, hiện nay ở Việt Nam không có một không gian nào đủ điều kiện hay tiêu chuẩn cho trưng bày nghệ thuật thị giác hay sắp đặt. Hiện có một không gian đạt tiêu chuẩn ấy lại không được sử dụng cho việc trưng bày mỹ thuật đương đại mặc dù người ta đã bỏ hàng tỷ đồng để xây dựng lên. Đó là khu “hội trường- lớp học” trong khuôn viên trường đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Từ khi được xây dựng đến nay chỉ một lần duy nhất được sử dụng đúng theo mục đích, còn sau đó trở thành những lớp học cho học viên của nhà trường.
Trường Đai học Mỹ thuật Hà Nội cũng khá mạnh dạn liên kết với một công ty tư nhân mở ra trung tâm Nghệ thuật Việt- Vietart, làm nơi trưng bày triển lãm nghệ thuật. Song hầu như tất cả các cuộc trưng bày nghệ thuật thị giác ở đây đều được giới phê bình và curao đánh giá là quá nhỏ, quá thấp,…Khổ nỗi, điều kiện có hạn, có còn hơn không. Một Vietart nhỏ, trưng bày các loại nghệ thuật chứ đâu dành riêng cho thị giác hay một loại hình mỹ thuật nào. Bà Minh Hà, giám đốc trung tâm cho biết: “Chúng tôi và Nhà trường cũng biết vậy và đã cố gắng hết sức, nhưng điều kiện có hạn, không gian này cũng đạt những tiêu chuẩn nhất định rồi. Mới hoạt động được hai năm, nhưng trung tâm chúng tôi không có ngày nào trống cả.”
Triển lãm xong rồi…tác phẩm để đâu?
Khi mà người ta chưa bỏ tiền mua những tác phẩm thị giác thì việc có một bảo tàng mỹ thuật đương đại, hay chí ít là nơi lưu giữ, bảo quản những tác phẩm mỹ thuật đương đại được đánh giá cao là chuyện sa xỉ.
Sau khi cuộc triển lãm khép lại, những lời ca tụng thành công gây hiệu ứng, báo chí ca tụng, công chúng trầm trồ,…thưa dần thì cũng là lúc hoạ sĩ đau đáu một nỗi niềm mới: đem những tác phẩm này đi đâu. Thật thảm thương cho cả tác phẩm và hoạ sĩ.
Ngay trong buổi khai mạc trưng bày tác phẩm “Một bọn”-Nguyễn Thuý Hằng đã than thở “Khi mà chưa có một nơi để trưng bày, lưu giữ. Khi mà chưa được quan tâm và để ý tạo điều kiện sáng tác cũng như trưng bày. Liệu có chỗ nào cho chúng tôi thuê với giá rẻ để cất giữ những tác phẩm của mình sau triển lãm hay không? Một kho bãi ven đô hay một kho trống của quân đội chẳng hạn…?”.
Được biết để chuẩn bị cho một cuộc trưng bày như vậy người họa sĩ phải bỏ tiền túi khoảng 10.000 USD cho việc thuê mặt bằng trưng bày, tổ chức PR, in ấn, quay phim lưu trữ,… không tính đến chi phí hoàn thành tác phẩm cũng như lao động sáng tác của họa sĩ.
Hằng cho biết “Người trong nghề bọn tôi, khi nhìn thấy những tác phẩm của bạn bè triễn lãm thường hỏi nhau, xong rồi, mang đi đâu? Tuy vậy, chúng tôi vẫn theo đuổi con đường nghệ thuật của mình, làm nhiều việc khác để lấy tiền trưng bày tác phẩm thị giác như vẽ tranh, thiết kế trang trí,… vì đó là nhu cầu và cuộc sống của nghệ sĩ chúng tôi.”
Mảng tài trợ và bảo trợ nghệ thuật còn thiếu ở nước ta mặc dù văn hoá quần chúng còn thấp và chưa quan tâm đến nghệ thuật đúng mức. Thực vậy tài trợ cho nghệ thuật nói chung là một việc làm còn thiếu ở các doanh nghiệp Việt Nam và cả trong các quy định của nhà nước. Người ta có thể bỏ ra hàng trăm triệu đồng tài trợ cho một chương trình thời trang, ca nhạc nhưng không ai đi mua các tác phẩm nghệ thuật để bày trong doanh nghiệp mình, để tặng cho bảo tàng, hoặc tài trợ cho một nghệ sỹ trẻ, và ngay cả khi họ làm vậy, họ cũng không hề được miễn hay giảm thuế.
Trong khi đó, các hoạt động như thế này rất phổ biến tại các nước như Pháp, Đức và đặc biệt là Mỹ. Tại Mỹ, bảo trợ nghệ thuật và từ thiện đã mang lại cho lĩnh vực phi lợi nhuận khoảng 10 tỷ Euros năm 2002 chiếm khoảng 2,1% GDP với khoảng 100 000 quỹ được thống kê . Tại Pháp, bảo trợ nghệ thuật, từ thiện và môi trường huy động được 343 triệu euros năm 2002, tức 0,09% GDP với hơn 1060 doanh nghiệp tham gia. Các hình thức bảo trợ cũng rất đa dạng (hỗ trợ về kỹ thuật và nghiệp vụ, công nghệ, sức khỏe, truyền thông, cho mượn người, mượn nơi triển lãm, cho ý tưởng…). Đã đến lúc các doanh nghiệp lớn của Việt Nam nghĩ tới việc làm này. Đó có thể là các tập đoàn công ty lớn như : Vietnam Airlines, Petrolimex, Viettien, VNPT, FPT...hay những công ty lữ hành du lịch. Thay vì đổ hàng tỷ đồng vào tài trợ – quảng cáo, họ có thể bỏ ra một phần tiền trong đó để bảo trợ mỹ thuật. Sự tham gia của các doanh nghiệp vào lĩnh vực này chắc chắn sẽ mang lại một sức đẩy không nhỏ cho ngành Mỹ thuật ở Việt Nam.