Thứ Hai, 12 tháng 1, 2015

Réhahn Croquevielle: Việt Nam nơi cuộc sống là đây

Nhiếp ảnh gia của những cụ già nước Việt

ẬP vào mắt tôi là ba bức ảnh! Chân dung một bà lão người Mông, nụ cười trong đôi mắt nhiều nếp nhăn sáng bừng bức ảnh, đôi bàn tay một màu xanh chàm, một nâu sạm cũng nhiều nếp nhăn như khuôn mặt, thô rám, che miệng. Thung lũng ruộng bậc thang xanh vàng trải thảm trong ánh sáng vừa rực rỡ, vừa huyền ảo - hình như thung lũng Mường Hoa (Sa Pa). Những gương mặt trẻ thơ lấm lem, ánh mắt vui tươi lạc quan đẹp như thiên thần trong những bộ quần áo tả tơi, nước mũi quệt ngang má... Tay bấm nhanh bàn phím vô thức, tôi còm cho người chia sẻ ảnh - tên một người nước ngoài “Sa Pa phải không?” -”Đúng rồi, đường xuống Lao Chải”.

Những bức hình thật kì diệu: Xúc động mạnh, chạm vào nỗi nhớ Sa Pa, một nỗi nhớ ma mị về miền đất trong lành, tinh khiết luôn tách ta ra khỏi cuộc sống giành giật thường nhật nơi phố thị mỗi khi bước vào. Sao anh ấy có thể chụp được những bức ảnh xuất thần như vậy, sao anh ấy có thể nhận thấy đôi bàn tay nhuộm lá chàm xanh, đầy nếp nhăn phủ bóng thời gian và ánh mắt của mế người Dao Đỏ đẹp đến vậy... Những bức hình và mỗi câu hỏi “sao có thể” ấy cứ quấn trong đầu cả buổi, khiến tôi chốc chốc lại mở lại những tấm ảnh xem. Nhiều thời gian sau đó, đôi mắt, bàn tay, khuôn mặt, những nếp nhăn, nụ cười... giấu sau đôi bàn tay thô rám vẫn như trước mắt tôi khi nghe đâu đó nhắc đến Sa Pa, người Mông, miền núi phía Bắc... 
Tác giả những bức ảnh là Réhahn C, một người  “sinh ra và lớn lên ở nước Pháp, tôi yêu Tổ quốc tôi nhưng ở đây, Việt Nam tôi mới thấy mình thực sự sống, một cuộc sống tự do và ý nghĩa.”  Năm 2007, Réhahn đến Hội An thăm hai em bé gái trong Hội từ thiện mà anh tham gia tài trợ, anh đã thốt lên “Cuộc sống đích thực là ở đây” sau một thời gian ngắn ngủi ở lại. Bốn năm sau đó, từ bỏ công ty in ấn ở Pháp, anh về Hội An mở cửa hàng bán kem với bạn và thực hiện đam mê chụp ảnh với những chuyến đi rong ruổi tìm kiếm những gương mặt đặc biệt Việt Nam.
Sau ba năm, một nhiếp ảnh gia không qua trường lớp đào tạo bài bản, Réhahn sở hữu hơn 145.000 bức ảnh chụp chân dung, phong cảnh Việt Nam, mở hai phòng trưng bày ảnh, xuất bản một cuốn sách song ngữ Pháp-Việt “VIETNAM, MOSAIC OF CONTRASTS - Việt Nam những mảnh ghép tương phản” phát hành 29 nước trên thế giới trong năm 2014, với hơn một trăm bức ảnh chân dung trong đó, khiến bất cứ một nhiếp ảnh gia nổi tiếng nào cũng không tránh khỏi cảm giác ghen tị, thầm thốt lên “anh ta thật tài tình và may mắn”, còn Réhahn thấy thật hạnh phúc khi luôn nhận được những tin nhắn: “Này Réhahn, chúng tôi định sang Lào để thực hiện dự án nhiếp ảnh phong cảnh và con người, nhưng khi xem xong sách VIETNAM, MOSAIC OF CONTRASTS của anh, chúng tôi đổi điểm đến Việt Nam rồi, hẹn gặp anh nhé”.... “Thật kỳ diệu, Việt Nam là một thiên đường, tôi không thể đợi đến tháng 9 mới đi du lịch được, tháng sau tôi sẽ đi và tới Việt Nam.”....
Hàng trăm bức ảnh Việt Nam của anh được đặt mua, đăng tải độc quyền trên những tạp chí hàng đầu thế giới của Mỹ, Anh, Pháp,... như National Geographic, Los Angeles Times, New York Times, GEO. fr... Trong năm 2014, anh được mời thực hiện nhiều triển lãm ảnh Việt Nam ở nhiều quốc gia: Việt Nam, Pháp, Italia, Canada, Ireland. Tên tuổi của anh được gắn với những nhiếp ảnh gia hàng đầu thế giới như Steve McCurry, Jimmy Nelsson, Lee Jeffries... nhờ những tấm hình chân dung đời thường nghèo khó, lam lũ nhưng sáng trong và lạc quan như những thiên thần trong những vùng thiên nhiên hoang sơ nông thôn, miền núi Việt Nam.

Réhahn là một “ông bầu” tình cờ đã đưa dàn “người mẫu ảnh” cụ bà, cụ ông Việt Nam: mế già Dao đỏ, H’Mông, M’nông, bà Xong,.... nổi tiếng khắp thế giới qua những bức ảnh chân dung xuất thần, với đôi mắt ánh niềm vui, khuôn mặt và đôi bàn tay thô ráp, nhiều nếp nhăn của những cuộc đời lam lũ. Réhahn đã mang đến thế giới một hình ảnh Việt Nam rất khác với những gì người nước ngoài, thậm chí cả người Việt Nam vẫn thường thấy, thường nghe thấy, hoặc đang lãng quên mỗi ngày ở nơi thành thị hôm nay.
Anh đi khắp từ Nam ra Bắc, từ thành phố đến vùng nông thôn, nhưng những điểm dừng lâu nhất là những vùng cao miền núi.
Mỗi chuyến đi thường kéo dài nhiều ngày, điểm đến thường là cả vùng văn hóa địa lí: Bắc, Trung, Nam, tới những miền đất xa xôi, nơi những người Việt Nam nghèo khổ sinh sống, nơi những cảnh đẹp hoang dã nổi tiếng của Việt Nam. Réhahn có lẽ đi nhiều vùng ở Việt Nam nhiều hơn bất cứ một người Việt Nam nào ở độ tuổi 35 như anh. 
Chuyến đi hai nghìn mốt ki lô mét trong 15 ngày vào tháng 9 năm 2013 bằng xe máy tới vùng núi phía Bắc là một chuyến đi nhiều ấn tượng cùng thành công bất ngờ với anh. Từ Hà Nội, đi Bắc Sơn, Ba Bể, Đồng Văn, Sa Pa, Hà Giang, Mù Cang Chải,.. ngày nào cũng miệt mài đi và chụp, đi và chụp từ lúc bình minh tới hoàng hôn, anh có được hơn 5000 tấm ảnh ưng ý sau hành trình. Có những bức chụp sau cả ngày, đêm chờ đợi - Bình minh ở Đồng Văn, có bức chụp trong cả tiếng đồng hồ, có những bức chỉ mất một giây - Người đàn ông hút thuốc lào ở chợ Bắc Hà, bức hình đầu tiên của anh đăng trên tạp chí National Geographic cuối năm 2013. Và rất nhiều bức ảnh trong số này đã dẫn đầu lượt bình chọn đẹp nhất, yêu thích nhất trên các trang tạp chí ảnh hàng đầu thế giới như National Geographic, Photo Manila Global, BTPC,... vượt qua hàng nghìn bức ảnh chân dung, phong cảnh đặc sắc khắp nơi thế giới.


Sống cùng nhân vật
 Nổi bật trong gia tài hơn 145.000 bức ảnh Việt Nam, có đến hơn 80% là ảnh chân dung các cụ ông, cụ bà, trẻ nhỏ; còn lại là ảnh phong cảnh. Dù nghèo khó, dù già nua và cả cuộc đời lam lũ, vất vả mưu sinh hằn lên những nếp nhăn vô số trên khuôn mặt, thì những chân dung trong những bức ảnh của anh đều đang lạc quan, vui vẻ, một niềm vui vẻ thực sự ánh lên trong đôi mắt; và người già và trẻ thơ thật là giống nhau ở điểm lạc quan này.
Réhahn có nhiều người bạn “mẫu ảnh” khắp ba miền, từ cụ già Hà Nhì đến em gái M’nông nhỏ, đặc biệt các cụ hàng xóm ở Hội An. “Tôi là người thích la cà, trò chuyện và chia sẻ. Những câu chuyện đằng sau những bức ảnh đôi khi tôi thích hơn chính bức ảnh đó. Tôi nghĩ tôi may mắn vì sống ở Việt Nam, có nhiều thời gian đi du lịch và gặp gỡ những con người tuyệt vời như vậy. Trong năm phút sẽ chẳng bao giờ hứa hẹn một bức hình đẹp, thời gian là một bí mật của tôi. Người Việt Nam thật dễ gần, chỉ cần bạn mỉm cười với họ thì cánh tay sẽ rộng mở đón bạn”. Nắm được bí quyết này, cộng với vốn tiếng Việt chút ít. Réhahn luôn chiếm được cảm tình yêu mến của các “mẫu ảnh”.

Khi chiếc xe máy của anh rè rè vào bản, những đứa trẻ con chạy biến thật nhanh, nhưng chỉ năm phút sau, chúng lại gần, và cuộc trò chuyện bắt đầu. Trẻ em thật dễ vui tươi. “Tôi thích những người già, họ toát lên vẻ thông thái và cuộc đời của họ thể hiện trên khuôn mặt. Khuôn mặt như một thư viện cuộc đời. Người già thường có nhiều nếp nhăn và mỗi nếp nhăn lại kể một câu chuyện. Bạn có thể đoán được họ giàu hay nghèo, họ bao nhiêu  tuổi, họ có làm nghề nông hay không. Hầu hết tôi gặp đều là những người già nghèo khó nhưng họ còn cười nhiều hơn cả con trẻ.
 
Có những khi tôi gặp và chụp ảnh họ cả tiếng đồng hồ nhưng lúc nào cũng thấy họ cười. Đôi khi tôi cảm thấy họ như trẻ con vậy. Ngay cả khi đã 80 tuổi thì sự hồn nhiên vẫn là một phần trong con người họ.” - Réhahn nói, và cười, nụ cười của anh cũng thật giống “mẫu ảnh” cụ Xong nổi tiếng của anh. Cụ Xong là mẫu ảnh trong bức chân dung anh chọn làm ảnh bìa cuốn sách “Việt Nam những mảnh ghép tương phản”.

Bức ảnh đã chụp từ ba năm trước, cụ lúc đó 73 tuổi. Gần cả cuộc đời cụ làm nghề chèo ghe cho khách du lịch dọc sông Hoài ở Hội An.  Ngay khi đăng bức ảnh này lên facebook, bức chân dung cụ Xong nhanh chóng đạt hàng nghìn lượt like và được bình chọn là bức ảnh được khán giả yêu thích nhất trên trang bình chọn ảnh trực tuyến.
Theo Réhahn, bức ảnh này là yếu tố chính tạo nên sự thành công của cuốn sách. Nụ cười, những nếp nhăn trên đôi bàn tay và gương mặt bà là những yếu tố làm cho bức hình trở nên đặc biệt. Vẻ hồn hậu, thân thiện, lam lũ của bà toát lên sự vui tươi của cuộc đời trong ánh mắt.

Giờ đây cụ ông Xong rất tự hào vì vợ ông là một người nổi tiếng, xuất hiện trên bìa sách, trên báo, mạng xã hội, mọi người Việt Nam và khắp nơi trên thế giới đều biết đến bà lão vợ ông, người có khuôn mặt vô số nếp nhăn, sần sì khắc họa thời gian nhưng đôi mắt xuất thần ánh lạc quan cười tươi dù miệng che giấu sau bàn tay ấy.

“Hồi tháng 9, tôi thực hiện một triển lãm lớn với tựa đề Một Việt Nam tại Paris với 5000 khách mời, bức ảnh bà Xong này được in thành poster lớn và xuất hiện trên khắp báo chí của Pháp, bà ấy còn nổi tiếng hơn cả tôi”. - Réhahn nói. Gần cả cuộc đời cụ, lần đầu tiên có một anh thanh niên trai trẻ hỏi cụ có “ước mơ gì?” và gần cả cuộc đời chèo thuyền, cho đến tuổi thất thập cổ lai hy, cụ bà Xong chỉ “mong ước mua được một chiếc ghe mới để chở khách cho an toàn”. Từ số tiền bán bức ảnh và bán sách, Réhahn đã mua tặng người bạn vong niên -  người luôn im lặng bên anh, đưa anh đi loanh quanh sông Hoài mỗi khi căng thẳng, buồn rầu, một chiếc ghe gỗ mới.

Hầu hết các mẫu ảnh, nhất là các cụ già đều trở thành những người bạn của anh. Réhahn thường trở lại thăm họ, tặng ảnh, tặng sách, chia sẻ nhuận bút, thành công và chia sẻ cả những ước mơ.

Trong khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bận rộn cho đến tháng 8 tìm một gương mặt đại sứ du lịch Việt Nam, và đại sứ du lịch Việt Nam trong nước vẫn chưa có gương mặt nào cho năm 2014 thì Réhahn chính là một “đại sứ du lịch Việt Nam” tiêu biểu nhất trong năm qua, đã mang đến thế giới một hình ảnh Việt Nam phong cảnh - con người tuyệt đẹp, những “bức ảnh hơn ngàn lời nói” trong niềm hân hoan hạnh phúc của người nghệ sĩ: “Tôi rất may mắn, tất cả các triển lãm vừa qua đều thành công. Tôi nhận được rất nhiều phản hồi, bình luận tốt đẹp và mọi người khi xem xong triển lãm đều muốn khám phá Việt Nam. Và đó chính là điều tôi mong muốn”. - Còn kế hoạch cho năm mới ư? “Năm tới, tôi sẽ tới các lễ hội ảnh lớn ở  New York, Toronto, Cuba, Bỉ, Pháp để giới thiệu Việt Nam. Tôi cũng sẽ đi tiếp tới những vùng cao nguyên Trung bộ, vùng đồng bằng Mekong, tôi vẫn còn nhiều nơi chưa tới!”.
Với Việt Nam, Réhahn luôn có một tình yêu đẹp, đẹp hơn cả những bức ảnh của anh.

Bài đăng Báo Văn Nghệ số 1-2/2015
và http://vannghetre.com.vn/vi/quoc-te.nd171/rehahn-croquevielle-viet-nam-noi-cuoc-song-la-day.i2778.html